Đó là kết luận mới đưa ra của các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội khi khảo sát với 8.424 người tại 11 tỉnh/thành phố trong cả nước về những yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay.
Trong nghiên cứu, yếu tố vùng miền thể hiện khá rõ sự khác nhau về quan niệm này. Trong dữ liệu định tính, tại cuộc thảo luận với nhóm phụ nữ ở Hưng Yên, trong khi các chị vẫn cho rằng: “Ở đây thì hầu như là không có trường hợp nào là thờ cúng cả bên nội, bên ngoại được. Chưa nghe thấy bao giờ. Kể cả gia đình không có con trai mà người con gái đi lấy chồng muốn thờ cúng bố mẹ mình ở nhà của mình, nhưng gia đình nhà người ta (nhà chồng) không cho đâu. Thờ đâu không cần biết nhưng mà không cho đem về. Có nghĩa là nhà chồng người ta không cho mình đem về thờ. Muốn cúng thì phải đi về bên ngoại mà cúng. Cái nhà để thờ cha cúng mẹ chồng, mình không thể đem ảnh thờ, bát hương bố mẹ mình về nhà mình để thờ bên cạnh bố mẹ chồng được”…
Trong tổng số 8.424 người được khảo sát, có tới 72.43% phụ nữ miền Bắc nói rằng gia đình cần có con trai để thờ cúng tổ tiên, nhưng với phụ nữ miền Nam, con số này chỉ là 34.21%. Xu hướng tương tự cũng diễn ra với nam giới ở 2 miền theo tỷ lệ 76.41% và 39.57%. |
Trong khi đó, ở miền Nam, với những người dân được khảo sát, cho rằng “vẫn tôn trọng việc thờ cúng tổ tiên nhưng không cứng nhắc trong việc con trai hay con gái sẽ thực hiện vai trò đó”. Một nam giới (55 tuổi, Long An) đã cho biết: “Chính gia đình nhà tôi thì bản thân tôi vừa cúng bên nội tôi đồng thời cúng cả bên cha vợ tôi luôn. Tại vì cha vợ tôi chỉ có một mình vợ tôi. Tôi cúng cả 2 bên luôn, vừa bên tôi vừa bên vợ, cúng hết. (Hỏi – Mình đưa về cúng, cha mẹ mình có phản đối không? – Không, ba mẹ tôi cũng không phàn nàn gì. Cái đó là bổn phận và cũng là nghĩa vụ. Hơn nữa, người chết rồi, mình cúng kiếng cũng chỉ là ngày kỷ miện vậy thôi chứ còn người mất cũng có ăn uống gì đâu”.
Sự khác biệt này, theo nghiên cứu, được lý giải là khu vực miền Nam là mảnh đất ít bị chịu ảnh hưởng những quan niệm của truyền thống, của Nho giáo một cách lâu dài và phổ biến như ở miền Bắc.
Theo PGS.TS Hoàng Thị Ngọ (Viện Nghiên cứu Hán Nôm): “Cuộc sống hiện đại với nhiều phương tiện truyền thông đã làm thay đổi cách nghĩ, cách ứng xử của các thành viên trong các họ tộc, nhất là đối với lớp trẻ. Làng xã cổ truyền ngày càng thành thị hóa, hiếm còn những gia đình tam tứ đại đồng đường. Nhiều mô hình gia đình mới ra đời với những lối sống mới, cuộc sống mới. Mặt khác, những chủ trương chính sách mới về bình đẳng giới đã tác động vào lớp trẻ, mở ra những hướng suy nghĩ mới, khác về dòng họ, gia phả, thờ cúng…”.
GS-TS Ngô Đức Thịnh: “Thực ra ngay từ xa xưa, những công việc chuẩn bị cúng lễ, chăm lo cỗ bàn trong mỗi gia đình, phụ nữ làm là phần nhiều. Ngay cả việc cúng lễ của gia đình khi lên chùa, miếu cũng phần nhiều cho phụ nữ". |
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam thì “đây là sự thay đổi mang tính tất yếu”. Giáo sư Thịnh cho biết: “Thực ra ngay từ xa xưa, những công việc chuẩn bị cúng lễ, chăm lo cỗ bàn trong mỗi gia đình, phụ nữ làm là phần nhiều. Ngay cả việc cúng lễ của gia đình khi lên chùa, miếu cũng phần nhiều cho phụ nữ. Khi nói về quy định, trong Luật Hồng đức thời Lê, hoặc là sau này là Luật Gia Long cũng đã có một số quy định về vai trò của phụ nữ. Ví dụ, Luật Hồng Đức thời đó đã đề cập đến việc phụ nữ khi đi lấy chồng rồi, trong vòng 6 tháng hay bao nhiêu lâu đó, nếu chồng không quan tâm gì đến vợ thì người phụ nữ đó có quyền ly dị và có quyền được thừa kế tài sản (thừa kế đất hương hỏa, thờ cúng)… Đến nay, trong xã hội, việc thờ cúng tổ tiên đã có những chuyển biến rõ nét hơn về tính “song hệ”. Trước câu hỏi “Con trai và con gái, ai lo cho bố mẹ nhiều nhất?”, câu trả lời đa phần là “Con gái” Con gái tình cảm hơn, trách nhiệm hơn, lo cho bố mẹ nhiều hơn. Khi bố mẹ mất rồi, cũng có nhiều người con gái có nhu cầu, trách nhiệm thờ cúng bố mẹ người ta như người con trai, con trưởng”.