Cô có 1 cháu gái đang tuổi dậy thì. Nó phát triển khá sớm, đầu lớp 5 đã có "đèn đỏ" nên năm nay dù mới học lớp 7 mà trông cháu ra dáng thiếu nữ rồi. Cháu cao hơn 1,6m và nặng 48kg. Nếu không giới thiệu, có lẽ không ai nghĩ cháu mới 11 tuổi. Cô chưa có gia đình, chưa có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ, nên thấy thật sự lo lắng cho cháu.
Cháu là con gái của anh trai và chị dâu cô. Bố mẹ cháu đã ly dị và cháu ở cùng với bố. Chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau nhiều lần nên con bé bị tổn thương khá nhiều. Nó luôn có suy nghĩ tại mẹ ngoại tình, mẹ không tốt nên gia đình mới tan vỡ, nó đem lòng thù hận. Cháu từ chối bất kì sự giúp đỡ hoặc quan tâm nào từ mẹ. Cháu bướng bỉnh và không nghe lời của ai, chỉ khi bố cầm roi lên mới vì sợ mà làm theo. Cô cố gắng tâm sự và giải thích về chuyện ly hôn của bố mẹ nó nhưng con bé không chịu hiểu và có những suy nghĩ tiêu cực.
Sống thu mình trong thế giới thực, cháu lại tham gia thế giới ảo. Gần đây cô phát hiện cháu nghiện chơi game. Khi đi học, cháu là 1 cô bé ít nói. Trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, cô còn biết cháu hay bỏ làm bài tập về nhà, thu mình và không chơi cùng ai trong lớp. Thậm chí, tính tình của con bé còn thay đổi thất thường, nếu bị ai đó nói động chạm tới, sẽ không giữ được bình tĩnh mà nổi đóa lên, chửi rất bậy. Nghe cô giáo nói lại mà cô choáng váng. Ở nhà, con bé cũng rất ít nói. Anh trai cô hay đi công tác dài ngày, nên cô là người gần gũi với nó nhất nhưng con bé cũng chẳng mấy khi nói chuyện gì với cô. Ấy vậy mà, nó lại tâm sự và chia sẻ rất nhiều điều với "bạn game".
Một buổi tối, cô phát hiện con bé ăn mặc rất mát mẻ và gọi "video call" với "bạn game". Khi bị cô phát hiện và tra hỏi, nó chối ngay lập tức. Cô đang nghi ngờ nó quen bạn trai trên mạng. Cô lo lắng vô cùng. Cô có kể chuyện này cho anh trai cô biết nhưng anh ấy lại phản ứng khá thờ ơ, nói rằng đây là "tự do" của nó, nên không cần phải trầm trọng hóa. Cô cảm thấy lứa tuổi này đang rất cần sự quan tâm và chú ý của gia đình. Mẹ của cháu đã có gia đình mới, bố của cháu không đánh giá đúng tình hình nên rất chủ quan, cô cảm thấy mình cần có trách nhiệm. Nhưng khổ một nỗi, cô cũng không biết nên nói chuyện, hay bắt đầu từ đâu để "dẫn đường, chỉ lối" cho nó.
Mấy ngày nay, cô như ngồi trên đống lửa, cứ phải rình và theo dõi xem nó làm gì. Cô đang có ý định tìm cho nó 1 gia sư trẻ tuổi, vừa hỗ trợ học, vừa nhờ bạn ấy tìm hiểu, tâm tình xem có hỗ trợ được gì không. Không biết cách làm này có hợp lý không, cô mong Thanh Tâm tư vấn giúp cô.
Thanh Tâm nhận thấy cháu gái cô đang trong lứa tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi, đã vậy còn gặp ngay 1 cú sốc về chuyện gia đình, nên rất dễ có những suy nghĩ tiêu cực. Thời gian này, cô bé cần sự quan tâm của gia đình và thầy cô, bạn bè. Thanh Tâm khuyên khi nói chuyện cùng cháu, cô nên nghiêng về chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của bạn ấy, không nên nói theo kiểu "lên lớp, dạy bảo". Cần có những đồng cảm thì bạn ấy mới có thể mở lòng, sau đó cô có thể phân tích cho cháu hiểu hơn. Việc tìm 1 gia sư để hỗ trợ bạn ấy về học tập cũng như đồng hành cùng cháu thời điểm này là một hướng đi tốt. Hi vọng cháu gái sẽ học hành chăm chỉ và cải thiện cảm xúc lên từng ngày.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn