Video: Mã Nhã Thư và 2 con tham gia chương trình Mẹ là siêu nhân.
Mã Nhã Thư là nữ diễn viên Trung Quốc quê gốc ở Vân Nam, Côn Minh, từng tốt nghiệp Học viện Hý Kịch Trung ương Trung Quốc.
Trước khi đến với người chồng hiện tại - doanh nhân Robert, Mã Nhã Thư từng có cuộc hôn nhân với diễn viên nổi tiếng Ngô Kỳ Long. Sau khi kết hôn cùng Robert, cô sinh hai con đáng yêu là bé Eden (gần 5 tuổi) và bé Mia (6 tuổi). Cả 4 người sống chung với con gái riêng của Robert là Artina.
Mã Nhã Thư bên chồng và 3 con.
Cô bé Mia được nhiều người yêu mến.
Trong số 3 con, cô con gái Mia của Mã Nhã Thư được nhiều người chú ý nhất bởi mang vẻ đẹp lai vô cùng xinh xắn, đôi má lúm đồng tiền cực duyên. Tuy nhiên, mới đây, một tờ báo của Trung Quốc đã khơi lại chuyện khi Mia được gần 4 tuổi (cùng mẹ tham gia chương trình Mẹ là siêu nhân) đã từng bị trường mầm non đuổi học vì bé không thể tự đi vệ sinh, mặc quần và tự ăn...
Cô giáo mẫu giáo đã nói với Mã Nhã Thư rằng bạn cùng lớp đã có thể tự đi vệ sinh nhưng Mia thì không. Mặc dù Mã Nhã Thư đã cố gắng tập cho con gái khả năng tự đi vệ sinh nhưng mặc cho mẹ có nói gì đi nữa, Mia vẫn từ chối và nhất quyết không tự mình làm điều đó.
Đó thực sự là những gì đã diễn ra khi cô bé và mẹ tham gia chương trình thực tế Mẹ là siêu nhân.
Các bé 2 tuổi ở trường mẫu giáo Nuno Emma đã có thể tự xếp hàng và đi vệ sinh.
Nhiều người cho rằng có vẻ như Mia là một cô bé khá bướng bỉnh, tuy nhiên khó có thể bỏ qua vai trò và những ảnh hưởng trong phương pháp giáo dục của Mã Nhã Thư với con gái Mia. Bởi trong chương trình, Mã Nhã Thư thường tỏ ra rất lo lắng khi con gái bị va đập, bị thương. Những từ ngữ lặp đi lặp lại nhiều nhất mỗi ngày là "Không! Không!".
Khi cảm thấy nguy hiểm, cô cũng ngăn cản con gái chạm vào cửa. Sợ rằng đứa trẻ có thể bị ngã nên cô đã dọn hết những đồ đạc trong phòng khách và ngồi xuống sàn nhà để cùng cả gia đình ăn cơm.
Trong một lần khác, khi cô đưa con đi chợ, đứa trẻ tò mò về những mớ rau và con cá nên chạm nhẹ vào nó nhưng Mã Nhã Thư lập tức ngăn cản và nói với con rằng những thứ này rất bẩn, con không được chạm vào.
Từ những hành xử của Mã Nhã Thư, nhiều người cho rằng, cô giống như một "người mẹ trực thăng" vậy. Và điều đó là hoàn toàn không nên.
“Cha mẹ trực thăng” là thuật ngữ nói về những bậc cha mẹ có xu hướng luôn giám sát, theo sát con như những chiếc trực thăng lượn trên đầu, họ luôn nói cho chúng biết nên làm gì và làm như thế nào. Các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ lưu ý rằng, sẽ là điều bình thường nếu cha mẹ cố gắng giữ con trong tầm mắt an toàn và khỏe mạnh. Tuy nhiên, con bạn sẽ không học được cách kiểm soát cảm giác và cảm xúc của mình vì chúng không có không gian riêng. Phương pháp nuôi dạy của “cha mẹ trực thăng” cũng sẽ gây ra các vấn đề về hành vi xã hội, khó kết bạn, và khả năng phân tích hành vi kém. Để con không bỡ ngỡ với thế giới bên ngoài, cha mẹ cần quan tâm đến trẻ hơn để nhanh chóng hiểu được chúng cần gì. Khi bạn nhận thấy con có khả năng xử lý tình huống mà không cần sự giúp đỡ, hãy để cho chúng làm điều đó. Bạn có thể hướng dẫn chúng cách vượt qua những thời điểm khó khăn nhưng đừng nên áp đặt. Hãy nói chuyện về cảm xúc và cảm giác của con, đồng thời chia sẻ thêm những cách giải quyết tích cực hơn để con không bị rơi vào trạng thái căng thẳng. |
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn