Nhật Bản được biết đến là một đất nước có tỉ lệ tội phạm thấp, nguyên nhân được cho là do lệnh cấm tàng trữ vũ khí, khoảng cách giàu nghèo không cao và con người luôn tuân theo những quy tắc sống bất thành văn từ trước đến nay.
Thế nhưng, một yếu tố khác giúp tỉ lệ tội phạm ở Nhật Bản thấp là do nỗi sợ của người dân khi đứng trước hệ thống pháp luật của xứ sở Phù Tang.
2 vợ chồng Keiko đã phải nhận án oan.
Đó là câu chuyện về vụ án oan mà nạn nhân là Keiko Aoki, người phụ nữ bị kết án tự phóng hỏa nhà để giết chết con gái, Megumi, 11 tuổi, vì món tiền bảo hiểm béo bở vào năm 1995. Cơ quan chức năng kết tội Keiko và chồng Tatsuhiro Boku chỉ dựa trên lời khai của họ dưới sức ép của nhân viên điều tra.
Keiko và con trai gặp nhau lần cuối cùng là vào sáng sớm ngày 10/9/1995, khi cô tình nguyện đến đồn cảnh sát. Tại đây, cảnh sát đã lấy được lời thú tội của Keiko, thừa nhận cô đã phóng hỏa nhằm giết chết con gái nhỏ và thụ hưởng tiền bảo hiểm từ cái chết của đứa trẻ.
Sau khi bị tuyên án chung thân, vợ chồng Keiko đã phải trải qua 20 năm trong tù cho đến đầu năm 2016 khi phiên tòa tái thẩm được diễn ra và tuyên bố cả hai trắng án, rằng vụ hỏa hoạn năm nào chỉ là tai nạn ngoài ý muốn. Trong thời gian đó, họ phải rời xa con trai và lỡ mất cơ hội được nhìn thấy đứa trẻ này trưởng thành.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là vì sao Keiko và chồng vốn không có tội lại tự thú tội như vậy? Trong đoạn phim tài liệu được tờ Al Jazeera thực hiện về vụ án của vợ chồng Keiko có nói đến việc cô bị đưa vào phòng thẩm vấn với các điều tra viên cảnh sát, những người không ngần ngại mà buông lời sỉ vả và la mắng cô trong suốt 12 giờ liền.
Keiko không được phép gặp luật sư. Sau đó, cảnh sát nói với cô rằng chồng cô đã nhận tội và cô cũng nên làm điều tương tự. Lúc này, tinh thần của Keiko đã bị dồn đến cực hạn, cô bỏ cuộc và viết một bản thú tội.
Sau này, khi đã được tha bổng, Keiko nói về sự nhầm lẫn của cơ quan chức năng, kiệt sức và cảm giác có lỗi vì không cứu được con gái trong biển lửa đã cộng hưởng lại và khiến cô thừa nhận tội lỗi mà cô không hề phạm phải.
Ở Nhật Bản, tất cả nghi phạm đều có thể bị cảnh sát bắt tạm giam 23 ngày. Trong thời gian đó, luật sư bào chữa của họ không được phép vào phòng thẩm vấn và cảnh sát cũng không bắt buộc ghi lại lịch sử lấy lời khai. Theo Hiroshi Ichikawa, một cựu công tố viên Nhật Bản, mô tả, chỉ có các điều tra viên có thể rời khỏi phòng khi họ quá mệt mỏi lấy lời khai nghi phạm. Công cuộc thẩm vấn sẽ kéo dài cho đến khi nghi phạm quá mệt mỏi về mặt tinh thần và chấp nhận thừa nhận tội lỗi để mong mọi thứ được kết thúc.
Trong thời gian phiên tòa tái thẩm diễn ra, Keiko không thể thoát khỏi nỗi ám ảnh của 20 năm vừa qua.
"Tôi không thể ăn hay ngủ, tôi sợ rằng mình phải đối mặt với cơn ác mộng ấy thêm một lần nữa. Tôi không thể cảm thấy nhẹ nhõm vì tôi không chắc liệu sau này họ có tống tôi vào tù trở lại không" - Keiko nói.
Keiko cho biết thêm từ sau ngày con gái qua đời, cô ngày nào cũng cầu nguyện cho đứa trẻ. Ngay sau khi được tha bổng, người phụ nữ này đã đoàn tụ với con trai trước khi cùng nhau đi thăm mộ con gái.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn