Ông Lê V.T là con trai và người thừa kế duy nhất của cụ Lê Thị D. Vì cụ ông đã mất lâu rồi, nên sau khi cụ bà mất, ông T. đã mang hũ cốt của mẹ tới đặt thờ kế bên hũ cốt của cha tại Quan Âm tu viện, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Vào ngày 4/9/2018, vì những mâu thuẫn trong gia đình, mà chị Lê T.N.A, là con gái ruột của ông T. đã tới Quan Âm tu viện để thăm viếng và lấy luôn 2 hũ tro cốt cùng bài vụ của ông bà nội mang về. Trụ trì chùa sau đó mới phát hiện, lập tức báo lại cho ông T. Ông T. yêu cầu con gái mình phải mang trả lại tro cốt và bài vị của ông bà nội về chùa. Tuy nhiên, chị N.A đã không trả mà còn có nhiều câu nói xúc phạm cha mình khiến ông T. rất giận dữ. Ông tố cáo đến cơ quan công an nhưng được hướng dẫn khởi kiện ra tòa vì đây là tranh chấp dân sự, liên quan tới việc thờ cúng trong gia đình.
Một thời gian sau, ông T. đã tìm được 2 hũ tro cốt của cha mẹ mình, còn 2 bài vị bằng đá và bảng tên trên hũ cốt của cha thì vẫn chưa thấy. Ông T. lúc này mới khởi kiện con gái ra tòa, yêu cầu chị N.A trả lại bài vị của cha mẹ ông, đồng thời yêu cầu phải công khai xin lỗi, không được đe dọa giết vợ kế của ông.
Tại phiên sơ thẩm, chị N.A đã không đồng ý với yêu cầu của cha, vì cho rằng hũ tro cốt ông bà nội thì cha đã lấy lại, riêng 2 bài vị và bảng tên trên hũ tro cốt thì đã được thủy táng tại sông Đồng Nai rồi.
TAND Q.2, TPHCM nhận định ông T. là con trai duy nhất nên theo phong tục Việt, ông có trách nhiệm, quyền thờ cúng cha mẹ, và quản lý hài cốt và bài vị cho mục đích thờ cúng. Việc chị N.A tự ý mang tro cốt và bài vị của ông bà nội đi mà không được sự đồng ý của ông T. là trái với đạo lý, phong tục tập quán.
Tuy nhiên, vì nguyên đơn cũng khẳng định bài vị đã được ghi tên người chết nên chỉ là vật thờ cúng, mang giá trị tinh thần, tâm linh, không có giá trị trong giao dịch dân sự. Pháp luật hiện hành không có quy định về việc sử dụng, chiếm hữu và định đoạt đối với bài vị là vật thờ cúng.
HĐXX đã căn cứ vào khoản 2 Điều 113 BLDS, cho biết bài vị được coi là vật đặc định, không có vật thay thế. Ông T. là người bỏ tiền ra mua bài vị cho cha mẹ và trực tiếp gửi bài vị lên Quan Âm tu viện và đóng phí nên ông được xác định là người có quyền sở hữu đối với những di vật này. Bị đơn là chị N.A phải có trách nhiệm hoàn trả đúng vật hoặc bồi thường trong trường hợp nguyên đơn có yêu cầu.
Theo lời khai của chị N.A tại phiên sơ thẩm, bài vị của ông bà nội đã được thủy táng ở sông. Ông T. cũng không có chứng cứ gì chứng minh được những di vật này đang tồn tại và đang được bị đơn chiếm giữ. Trong trường hợp này, vật tranh chấp được coi là không còn tồn tại. Vì vậy, HĐXX cho rằng yêu cầu trả lại tài sản là bài vị của ông T. là không phù hợp. Về bồi thường, trong quá trình giải quyết vụ án, ông T. cũng không yêu cầu chị N.A bồi thường nên không có căn cứ để tòa xem xét.
Đối với yêu cầu xin lỗi công khai, ông T. cho rằng bị đơn đã có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, xáo trộn cuộc sống gia đình qua các trang mạng xã hội. Theo HĐXX, những tin nhắn này có độ tin cậy không cao và có thể làm giả vì không được lập vi bằng. Mặt khác, ông T. cũng không đưa ra được các bằng chứng chứng minh thiệt hại thực tế do những tin nhắn này gây ra nên HĐXX cho rằng không có đủ cơ sở, chứng cớ để buộc chị N.A phải công khai xin lỗi vì đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm cha chị.
Vì vậy, TAND Q.2 đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê V.T. Ông T. không đồng ý nên đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Ngày mai, 25/5/2020, phiên tòa phúc thẩm được xét xử tại TAND TPHCM.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn