Dự kiến ngày 27 và 28/9, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 2, thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả hoạt động, quản lý sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2019 – 2020; kết quả thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13 năm 2019 -2020 và việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020, để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp tháng 10 và trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 2.
Trước đó, ngày 24/9, Thường trực Ủy ban Xã hội đã họp nghe Bộ Y tế báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân năm 2019-2020; cũng như việc quản lý và sử dụng quỹ BHYT năm 2020.
Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, mặc dù Luật BHYT cũng như các quy định pháp luật liên quan đã ban hành đầy đủ, nhưng qua thực tiễn vẫn còn thiếu chế tài cụ thể đối với đối tượng tự đóng, hỗ trợ đóng BHYT. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên một số doanh nghiệp phải tạm dừng hợp đồng lao động dẫn đến người lao động không được tham gia BHYT…
Đến hết năm 2020, cả nước đã có 87,97 triệu người tham gia BHYT, tăng 2,23 triệu người so với năm 2019 và đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số - vượt 10,85% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 68/2013/QH13.
Trong đó, NSNN đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT cho trên 51 triệu người, chiếm 58% số đối tượng và tổng số chi NSNN đóng, hỗ trợ đóng trong năm 2020, bằng 41% tổng số thu BHYT.
Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội khẳng định, Việt Nam vẫn còn nghèo nhưng đã đạt được nhiều thành tựu trong thực hiện BHYT, độ bao phủ BHYT trong năm qua đều đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ, Quốc hội giao.
Tuy nhiên, số người chưa tham gia BHYT hiện chiếm gần 9,1% dân số. Đây là những nhóm người khó vận động, có điều kiện kinh tế và chưa sẵn sàng tham gia hoặc đã tham gia loại hình bảo hiểm sức khỏe khác.
Theo ông Đặng Thuần Phong, "số người tham gia hiện nay chủ yếu do Ngân sách nhà nước hỗ trợ. Số lao động cũng như doanh nghiệp thuộc diện tham gia do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên dừng hoặc nợ đóng cao. Đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT vẫn chưa đạt 100%... Do vậy, Chính phủ cần có giải pháp để đảm bảo độ bao phủ BHYT bền vững, giảm dần gánh nặng hỗ trợ từ phía Nhà nước và người dân tự tham gia hưởng thụ chính sách".
Tại cuộc họp, Thường trực Ủy ban Xã hội và các đại biểu cho rằng, vẫn còn một số chỉ tiêu về BHYT chưa đạt; hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, chất lượng chuyên môn khám chữa bệnh đặc biệt là ở tuyến dưới còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị có giải pháp xử lý tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT trong năm 2020 đang tiếp tục gia tăng ở nhiều địa phương.
Làm rõ một số vấn đề, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, theo Nghị quyết số 68 hiện nay còn 3 chỉ tiêu đề nghị điều chỉnh nhằm tạo điều kiện cho BHXH Việt Nam thực hiện chính sách.
Từ năm 2021, BHXH Việt Nam gặp thách thức trong việc phát triển BHYT bền vững, không phải khó khăn trong vấn đề bao phủ BHYT. Do đó đòi hỏi những chế tài cụ thể để thu hút sự tham gia của người dân, chứ không phải từ sự hỗ trợ của ngân sách.
Trong năm qua, cả nước có 167 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT (do giãn cách xã hội nên giảm 10% so với năm 2019). Do đó, số chi KCB BHYT cũng giảm khoảng 2%, trong đó chi tại tuyến tỉnh chiếm tỷ lệ cao nhất với 46%, còn tỷ lệ chi tuyến xã thấp nhất. Đáng chú ý, dù tỷ lệ chi tuyến huyện không phải có số lượt cao, nhưng lại chiếm tỷ lệ chi phí lớn nhất.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn