Con hào hứng đi học lại sau Tết

10:00 | 03/02/2017;
Gần 10 ngày nghỉ tết Nguyên đán ở quê, nghĩ đến việc trở lại nhịp sống thường ngày với việc đưa con đến lớp, chị Phạm Mỹ Dung (Q.Hà Đông, Hà Nội) bỗng thấy mệt mỏi.

Bé Bông, con gái 5 tuổi của chị Mỹ Dung, vừa có một tuần lễ về quê chơi Tết với ông bà nội ở thành phố Vinh, Nghệ An. Lịch học của bé là 2/2 (mùng 6 âm lịch), nhưng vì vợ chồng chị Dung chưa phải đi làm ngay nên xin cô giáo cho con nghỉ thêm một ngày để "ở rốn” với ông bà.

Sáng 3/2, vừa trở về nhà sau chuyến tàu đêm dài từ Nghệ An, cô bé bỗng nằng nặc đòi ở nhà, dỗ dành kiểu gì cũng không đi học. “Bé muốn ở nhà chơi, dù nhà chỉ có giúp việc với em bé, bảo không muốn quay lại lớp mẫu giáo. Tôi đành mang roi ra dọa, bé mới chịu đến lớp với tâm trạng ấm ức", chị Mỹ Dung chia sẻ.

Có lẽ đây là tình trạng chung của nhiều phụ huynh có con đang tuổi học mẫu giáo, tiểu học - lứa tuổi muốn chơi nhiều hơn học. Anh Phùng Hữu Thắng (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) có con trai học lớp 3 cũng rơi vào tình cảnh mệt mỏi khi đã hai hôm nay, sáng nào cậu con trai cũng ngủ dậy rất muộn.

“Chỉ hơn một tuần nghỉ Tết, cháu lại mất thói quen dậy sớm đi học. Sáng nào cũng gọi như gọi đò, mẹ con lại quáng quàng lên vì trễ giờ học. Sinh hoạt gia đình tôi sau Tết bỗng đảo lộn bởi hai cậu con trai ham chơi!”, anh Thắng thở dài mệt mỏi.

 Sau kỳ nghỉ dài, nhiều bé kém hào hứng đến lớp khiến bố mẹ đau đầu. Ảnh minh họa internet.

Đoán trước tình thế, nhiều giáo viên đã chủ động giúp học sinh bớt áp lực khi quay lại lớp như dành tiết học đầu tiên sau kỳ nghỉ để các con trò chuyện, hỏi thăm nhau. Cách làm này được cô giáo Trần Thị Hằng, giáo viên trường tiểu học Đức Giang (Q.Long Biên, Hà Nội) áp dụng khá thành công.

Từ trước Tết, cô Hằng đã họp lớp, nhắc nhở phụ huynh cần tạo thói quen dậy đúng giờ. Tiết học đầu tiên, cô Hằng dành 10-15 phút để các học sinh kể về ngày Tết của mình thế nào, vui chơi những đâu; sang năm mới các con sẽ làm gì có ích, để ông bà bố mẹ vui,…

“Kỳ nghỉ Tết kéo dài nên việc chuẩn bị tâm thế để các em quay lại trường học rất cần thiết. Phụ huynh cần tránh tình trạng để con chơi thả phanh, đến sát ngày đi học lại hối thúc mà cần có kế hoạch giúp trẻ chuyển từng bước từ vui chơi sang nề nếp”, cô Hằng nói.

Theo tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, việc con không muốn đi học và lơ đãng những ngày sau Tết dù dễ lường trước (do năm nào cũng nghỉ Tết), nhưng vẫn khiến nhiều phụ huynh khó chịu, mệt mỏi. Theo bà Thụy Anh, điều này khó lòng trách con trẻ, bởi ngay cả người lớn cũng khó bắt nhịp ngay vào công việc. Vì thế, bố mẹ không cách nào khác là phải khắc phục thực tại cho qua đợt nghỉ ngơi.

Cùng với đó, bố mẹ có thể hỗ trợ trẻ để giúp con sớm lấy lại cảm hứng đến trường như:

- Cùng trẻ soạn lại sách vở, bọc lại vở nếu thấy hơi nhàu nát, cùng đi mua thêm vở mới, bút mới, như thể đang bắt đầu một năm học mới. Điều này có tác dụng như vặn dây cót để tinh thần học tập bắt nhịp vào một nhịp độ mới.

- Cùng con thống nhất và "thiết kế" lại thời gian biểu trong ngày.

- Những ngày đầu tiên sau Tết, bố mẹ quan tâm hơn đến việc học của con, buổi tối cùng con ôn lại những kiến thức cũ bằng một vài câu hỏi vui vui để gợi mở, thúc con xem lại sách, chứ không nhất thiết phải ôn tập. Chẳng hạn: "Thế nào là từ láy nhỉ? Cả nhà mình thử xem ai đưa ra nhiều từ láy nhất nhé!".

- Bình tĩnh chờ đợi con bắt nhịp lại được với trường lớp. Bố mẹ có thể tận dụng thời gian này để chia sẻ những khó khăn trong học tập mà từ học kỳ trước tồn đọng, con chưa hoặc không dám thổ lộ với bố mẹ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn