Con hụt hẫng vì liên tục phải chuyển trường khi bố mẹ ly hôn

21:45 | 27/06/2017;
Con vừa làm quen các bạn trong 1 năm học thì năm sau đã phải chuyển sang ngôi trường khác, lại bắt đầu kết bạn, làm quen với môi trường học tập mới. Lý do chỉ vì bố mẹ... ly hôn.
chuyen-truong.jpg
Con hụt hẫng khi nghe tin lại chuyển trường. Ảnh minh họa

Bố mẹ chia tay, Nam được ở với mẹ. Năm lớp 6, học cùng với nhiều bạn từ lớp 5 chuyển lên nên dù chuyển cấp nhưng cậu bé không ngỡ ngàng. Tuy nhiên, có nhiều bạn mới nên cậu cũng mất mấy tháng đầu năm học làm quen với các bạn và cũng thiết lập được một vài nhóm bạn thân thiết để có thể thoải mái chia sẻ, chơi thể thao, giúp đỡ nhau trong học tập.

Hết lớp 6, bố mẹ cậu đột ngột thông báo: Chuyển trường. Lý do vì mẹ cậu bận việc, không có thời gian quản lý được con trai ở tuổi dậy thì nên nhờ bố cậu... nuôi. Nam chuyển trường trong sự ấm ức khi không được bố mẹ hỏi ý kiến.

Nếu chuyển từ lớp 6, cả lớp đều là những người bạn mới, chưa quen thì việc tất cả cùng làm quen từ đầu sẽ rất đơn giản. Lớp 7, cậu là học sinh mới toanh chuyển về, sẽ không tránh khỏi những xì xào, tò mò.

Học sinh mới, cậu cũng thường xuyên bị những “ma cũ” bắt nạt. Thời gian đầu, không ít lần cậu gọi điện cho mẹ đòi chuyển về trường cũ vì cảm thấy quá cô đơn khi đến lớp.

Phải “thể hiện” mình rất nhiều, một thời gian sau, cậu mới được kết nạp vào nhóm nọ, nhóm kia. Cũng tốn không ít thời gian, cậu mới được các bạn yêu quý, thân thiết. Giờ đây, cậu rất thích ngôi trường đang học bởi các bạn rất vui và đoàn kết.

chuyen-truong2.jpg
Trẻ cảm thấy nản khi phải chia tay với những người bạn thân của mình. Ảnh minh họa

Thế nhưng, nghỉ hè lớp 7, chuẩn bị lên lớp 8, cậu tiếp tục trải qua cảm thấy hụt hẫng khi nghe thông tin sắp chuyển về trường cũ. Lý do chỉ vì mẹ cậu muốn “lôi” con trai về ở cùng khi thấy sự xa cách khiến mẹ con không gần gũi, gắn bó như trước.

Được về ở cùng với mẹ, cậu thấy rất vui, tuy nhiên, nghĩ đến việc chuyển trường, cậu lại nản. Cậu không muốn rời xa những người bạn mà cậu vô cùng yêu quý. Nghĩ thế nên nhiều ngày nay cậu buồn rười rượi. Mỗi lần chuyển trường là một lần thay đổi, ảnh hưởng đến học tập, tâm lý.

Cậu viết trong nhật ký “Con có phải là con rối đâu mà bố mẹ thích lôi đi đâu thì đi. Con chỉ muốn ổn định ở môi trường quen thuộc, có như thế con mới dành thời gian tập trung cho việc học, không bị phân tán tư tưởng vào việc khác. Điều đơn giản đó, không lẽ bố mẹ không biết?".

Theo tiến sĩ Laurie Hollman, nhà phân tích tâm lý học và tác giả của “Tiết lộ sự thông minh của cha mẹ: Tìm kiếm ý nghĩa trong hành vi của con”, trước khi chuyển trường cho con, cha mẹ cần kiên nhẫn lắng nghe để biết những lo lắng của con trước khi chuyển trường.

Cha mẹ cần giúp con cách giữ liên lạc với bạn bè. Đừng bỏ qua những mối quan tâm của con và hãy xem xét chúng một cách nghiêm túc. Không chỉ trẻ mà chính cha mẹ cũng gặp khó khăn khi thay đổi nơi ở, công việc mới, khi cảm thấy nhớ những người bạn và hàng xóm cũ. Nhưng cha mẹ phải giúp trẻ trước.

Trấn an trẻ cũng là cách để trấn an chính bạn. Khi con thấy bạn giải quyết những vấn đề của bạn một cách lạc quan, chúng sẽ “hấp thụ” sự lạc quan đó, tin tưởng vào bạn và chính mình.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn