Trẻ phát triển ngay cả trong giấc ngủ. Khi con ngủ là lúc quá trình phát triển chiều dài xương diễn ra, đặc biệt là vào ban đêm. Đó là lý do vì sao ngày nay rất nhiều cha mẹ quan tâm đến chất lượng giấc ngủ của trẻ.
Tuy nhiên, nhiều bố mẹ phàn nàn con mình rất khó ngủ, trằn trọc mỗi tối, thậm chí tỉnh giấc giữa đêm và mất khoảng thời gian dài mới ngủ lại. Thực tế, ngủ ngon, ngủ sâu giúp cơ thể tiết hormone tăng trưởng, giúp tăng hấp thu canxi, kích thích xương dài ra và phát triển thể chất toàn diện.
Dưới đây là 4 thói quen nhiều gia đình vẫn mắc phải khiến trẻ khó ngủ ngon, ngủ đủ giấc, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và thể chất của con.
Những món ăn vặt quả thực rất thu hút, không chỉ trẻ con mà cả người lớn. Chính vì vậy, nhiều bố mẹ có thói quen cho con ăn bất cứ lúc nào cảm thấy đói. Không ít người tưởng rằng ăn ngay trước khi ngủ sẽ khiến bé no và ngủ ngon hơn nhưng thực tế lại khác. Ăn uống sát giờ đi ngủ, dù là ăn bánh kẹo, đồ ăn vặt... cũng khiến cho hệ tiêu hóa của trẻ phải làm việc, tăng gánh nặng cho các cơ quan nội tạng, dẫn đến đầy bụng, khó tiêu, trào ngược dạ dày...
Thức ăn không kịp tiêu hoá cùng lượng dịch vị tiết ra nhiều hơn trong giấc ngủ gây ứ, trướng dạ dày, trào ngược lên thực quản, rỉ ra họng, tràn vào thanh quản. Tình trạng dịch vị ở dạ dày trào lên thực quản thường xuyên, lâu ngày có thể gây viêm thực quản dẫn đến ho.
Tất cả các bữa ăn của trẻ đều nên kết thúc trước 19h. Từ 19h trở đi chỉ nên cho trẻ ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức. Bác sĩ cũng lưu ý thêm rằng, sau khi cho con ăn hoặc uống sữa, mẹ nên để trẻ nghỉ ngơi hoặc hoạt động nhẹ nhàng ít nhất 2 giờ để thức ăn kịp tiêu hóa hết trong dạ dày.
Thời gian buổi tối là lúc bố mẹ và con cái quây quần, trò chuyện, tâm sự. Chuyên gia khuyên trước khi ngủ, bố mẹ có thể đọc những câu chuyện nhẹ nhàng, chia sẻ với con những điều diễn ra trong ngày. Tuy nhiên, nhiều em bé khá hiếu động, thích các trò chơi cảm giác mạnh. Bố mẹ cũng không để ý mà cho con chơi quá sức, chạy nhảy nhiều, cười đùa không ngừng...
Việc này kéo dài vừa khiến trẻ đi ngủ muộn dẫn đến ngủ không đủ giấc mà còn làm cho hệ thống cơ của trẻ mệt mỏi, đêm trẻ sẽ ngủ không ngon. Không những vậy, sang ngày hôm sau, trẻ còn không đủ sức để vận động, ăn uống không ngon miệng, ảnh hưởng đến sự phát triển sức khỏe và thể chất của trẻ.
Trẻ thường mất một khoảng thời gian ngắn để đi vào giấc ngủ. Chắc chắn con sẽ ngủ ngon, có những giấc mơ đẹp nếu ngày hôm đó của bé hạnh phúc. Đặc biệt, quãng thời gian trước ngủ sẽ in đậm vào trí nhớ, con sẽ cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ trước khi đi vào giấc ngủ.
Nếu cha mẹ trách phạt, mắng mỏ hoặc làm bất cứ điều gì khiến trẻ nảy sinh các cảm xúc tiêu cực, trẻ sẽ đi ngủ với nguyên tâm trạng tồi tệ đó thì chất lượng giấc ngủ sẽ bị giảm đi rất nhiều. Trẻ có thể gặp ác mộng, ngủ không ngon, khó đi vào giấc ngủ. Việc này nếu lặp lại nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, thậm chí còn khiến đối mặt với các vấn đề về sức khỏe khác.
Nghiên cứu từ Đại học Hoàng gia London cho biết sử dụng điện thoại, ti vi trước giờ đi ngủ sẽ khiến giấc ngủ của trẻ ngắn hơn, chất lượng giấc ngủ kém hơn và ban ngày lại buồn ngủ quá mức. Ở trẻ em và thanh thiếu niên, các chức năng thị giác chưa phát triển đầy đủ nên nhạy cảm với của ánh sáng hơn so với người lớn. Vào buổi tối khi ánh sáng chiếu vào võng mạc sẽ làm ức chế hormon gây buồn ngủ (melatonin) gây trì hoãn sự buồn ngủ và thay đổi nhịp đồng hồ sinh học của cơ thể.
Bên cạnh đó, sử dụng thiết bị điện tử để nhắn tin, xem các phim, hình ảnh có yếu tố bạo lực cũng làm giảm chất lượng giấc ngủ do kích thích mức độ hoạt động nhận thức của não bộ. Để con ngủ ngon, cha mẹ nên tắt tất cả các thiết bị truyền thông điện tử (kể cả các thiết bị điện tử của cha mẹ) trước khi đi ngủ và để bên ngoài phòng ngủ. Không để TV, trò chơi điện tử, máy tính để bàn, máy tính bảng, điện thoại... trong phòng ngủ của trẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn