Đau đớn nhất đối với chị là mặc dù biết mình bị HIV nhưng chồng chị đã giấu chị, cho đến khi chị gần đến ngày sinh nở chị mới biết mình bị lây từ chồng. Chị Vân cho biết, khi chuẩn bị đám cưới, chị khuyên chồng đi xét nghiệm. Sau một tuần có kết quả, anh tự đi lấy nhưng không nói kết quả thật với chị. Đến khi chị mang bầu, sắp sinh con, phải làm các xét nghiệm trước sinh mới biết mình bị HIV. Cùng với đó, chồng chị cũng bị chuyển sang giai đoạn AIDS. "Hàng xóm đồn chồng tôi bị nhiễm từ lâu nhưng tôi lại là người biết cuối cùng vì tôi rất tin chồng mình. Dù trước đó, tôi biết anh có yêu một người và người này bị nhiễm HIV", chị Vân cay đắng nhớ lại.
Theo lời chị kể, đó là vào năm 1999, khi HIV chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người nhiễm chỉ có thể "chờ chết" trong sự kỳ thị, xấu hổ. Chị đứng trong cảnh bị người đời quy chụp khi quan niệm rằng, chỉ có mại dâm, ma túy, sống buông thả mới bị "H". Cay độc hơn, nhiều người còn cho rằng "do kiếp trước ăn ở thế nào nên kiếp này bị quả báo". Cố gắng vượt qua cú sốc để sinh con, tiếp tục sống để chăm con và người chồng đang bệnh nặng bởi HIV giai đoạn cuối, chị Vân đã xin chuyển nơi công tác về gần nhà. Không chỉ đối diện với căn bệnh mà ngày ấy nhiều người thường gọi là "căn bệnh thế kỷ", gia đình chị còn đối mặt với cuộc sống nghèo khó, nợ nần.
"Tôi còn nhớ khi đó, chúng tôi mua 40 công ruộng bằng việc đi vay 4 cây vàng. Mua xong thì chồng bệnh, không làm việc được. Tôi phải trả nợ dần bằng tiền lương dạy học ít ỏi. Ngày ấy, tiền lương có 500 nghìn đồng nhưng tiền lãi mỗi tháng lên đến 2 triệu đồng. Tôi cầm cố hết đất để trả nợ, sống trong nghèo khổ một thời gian dài", chị Vân nhớ lại.
Bao nhiêu cay đắng, hờn trách lẫn nhau rồi cũng buông bỏ trong những ngày cuối cùng của chồng chị. Anh mất vào cuối năm 1999. Với chị, duyên nợ cũng dứt. Có lẽ, điều an ủi nhất đối với chị là khi sinh con ra, con chị không bị nhiễm HIV từ mẹ. Khi bé đến trường được thầy cô và bạn bè yêu thương, không bị kỳ thị. "Con không có H, đó là động lực cho tôi tiếp tục sống. Lúc sinh con, tôi không có sữa, con phải ăn bột từ bé. Giờ cháu đã 21 tuổi, cao 1,8m, học đại học ngành công nghệ thông tin và chuẩn bị tốt nghiệp đại học rồi", chị Vân tự hào chia sẻ.
Sống chung với "H" 21 năm, kiên cường chiến đấu với bệnh tật để nuôi dạy con nên người, chị Trần Thị Thanh Vân đã vượt qua những năm dài khốn khó, được nếm vị ngọt của hạnh phúc khi nhìn con trưởng thành. Năm 2008, chị thành lập "Nhóm Hy vọng", nơi sinh hoạt của những người sống chung với HIV. Từ đây, chị đứng ra kết nối để dạy các thành viên làm móc khóa, tranh thêu, may màn... và tìm chỗ tiêu thụ sản phẩm để các thành viên có công việc và thu nhập ổn định. Đồng thời, chị còn đứng ra vay vốn, hỗ trợ tư vấn cho người có HIV... Trong công tác dạy học, chị vẫn đảm bảo chuyên môn và có nhiều năm học được công nhận "giáo viên dạy giỏi" cấp huyện, cấp tỉnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn