Các tổ chức nhân đạo như Oxfam, UNICEF bị phanh phui là những ổ bê bối tình dục. Đó là sự ngã ngựa của ông Justin Forsyth - Phó giám đốc UNICEF. Phó Giám đốc Chương trình HIV/AIDS của Liên hợp quốc (UNAIDS) cũng đã từ chức sau khi bị cáo buộc có hành vi khiếm nhã đối với một nữ đồng nghiệp. 16 vụ khác liên quan đến các cáo buộc liên quan đến nhân viên Oxfam hiếp dâm ở Nam Sudan và xâm hại tình dục ở Liberia, Philippines, Bangladesh và Nepal… Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã công bố chính sách không dung thứ cho những hành vi xâm hại, quấy rối tình dục và cam kết sẽ tăng cường các biện pháp để xử lý những hành vi sai trái của các nhân viên LHQ.
Tiếp đến, Nhà Trắng của Mỹ dậy sóng khi hàng loạt nạn nhân lên tiếng tố cáo góc khuất phía sau hình ảnh hào nhoáng và đứng đắn của các quan chức cấp cao. Họ thường phải giữ im lặng bởi quyền lực của kẻ quấy rối, các thủ tục lằng nhằng nếu làm đơn tố cáo hoặc đe dọa tới công việc và an toàn gia đình. Nhiều cuộc biểu tình và sự vào cuộc của truyền thông đã mang lại công lý cho nhiều nạn nhân. #MeToo đã trở thành một từ khóa vô cùng phổ biến.
Vụ việc của Tổng chưởng lý Eric Schneiderman khiến người ta nhớ tới bê bối tham gia đường dây gái gọi cao cấp của cựu Thống đốc New York Elio Spitzer cách đây tròn 10 năm. Trớ trêu là trong bê bối này, Eric Schneiderman lại là người ủng hộ mạnh mẽ phong trào chống quấy rối tình dục #MeToo ở Mỹ. Vài tuần trước, chính Eric Schneiderman đã ca ngợi hai tờ báo New Yorker và New York Times vì đưa tin về #MeToo, trong đó phụ nữ lên tiếng tố cáo các hành vi lạm dụng tình dục tại nơi làm việc từ lĩnh vực chính trị cho đến truyền thông, giải trí và kinh doanh.
Liên hoan phim lớn nhất hành tinh Cannes (Pháp) vừa diễn ra đã có những bước đi cho thấy đứng về phía phong trào #MeToo nhằm chống lại nạn quấy rối tình dục. Ngày 12/5, 82 phụ nữ đã diễu hành trên thảm đỏ Cannes biểu thị sự đoàn kết với các phong trào chống xâm hại tình dục như #metoo và Time’s U, nổi bật là khuôn mặt quen thuộc của Cate Blanchett – Nữ Chủ tịch ban giám khảo Cannes 2018.
Phong trào Me Too ở Hàn Quốc tạo cảm hứng cho nhiều người khi ở xã hội với tư tưởng nam giới thống trị, vẫn có một cuộc cách mạng nữ quyền bùng phát. Hàng loạt tên tuổi “đáng kính” đến từ các lĩnh vực chính trị, âm nhạc, văn học, và nghiên cứu của xứ sở Hàn Quốc đã bị vạch trần tội tấn công tình dục. Sau khi nữ công tố viên Seo Ji Hyun lên tiếng tố cáo việc mình bị một lãnh đạo cấp cao của Bộ Tư pháp quấy rối trong một đám tang, chiến dịch lên tiếng tố cáo vấn nạn xâm hại tình dục lan tỏa nhanh chóng và nhấn chìm nhiều tên tuổi tai tiếng như Ko Un, nhà thơ từng được coi là ứng viên giải Nobel Văn học, đạo diễn lừng danh Kim Ki Duk và cựu chủ tịch tỉnh Nam Chungcheong, ứng viên tổng thống Hàn Quốc Ahn Hee Jung.
Chính Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố mình là một nhà nữ quyền, khẳng định ông rất tự hào khi phụ nữ Hàn Quốc dám nói lên sự thật. "Tôi ủng hộ phong trào Me Too", ông nói trong một cuộc họp nội các. Ông tuyên bố các cơ quan bảo vệ pháp luật nước này ủng hộ tuyệt đối những nạn nhân bị lạm dụng tình dục tại nơi công sở, đồng thời cho biết sẽ thực hiện mọi biện pháp hiện có để đưa kẻ vi phạm ra trừng phạt.
Tại Nhật Bản, phong trào này ban đầu không thu hút được sự chú ý của dư luận nhưng sau bê bối của Bộ Tài chính, hashtag #MeToo đã trở thành thứ vũ khí chính trị lợi hại để đẩy nhiều quan chức cấp cao hoặc chủ tập đoàn ngã ngựa. Tháng 4/2018, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Junichi Fukuda đã từ chức để “bảo vệ thanh danh” sau khi một nữ phóng viên đài truyền hình Asahi công bố bản ghi âm những lời gạ gẫm khiếm nhã của ông. Việc ông Fukuda từ chức là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đang hòa mình vào phong trào #MeToo nhằm vạch trần và chống lại những kẻ lạm dụng, quấy rối tình dục.
Ngay cả Taiin Murakami, sư trụ trì chùa Yakushiji ở thành phố Nara cũng đã quyết định từ chức vì mối quan hệ mà ông gọi là "không đúng đắn" với 1 phụ nữ. Chùa Yakushiji là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Nhà sư Murakami nhận chức trụ trì chùa từ tháng 8/2016.
Hình phạt về tội quấy rối tình dục ở một số nước:
- Mỹ là một trong những nước đầu tiên ban hành luật về quấy rối tình dục. Người có hành vi tán tỉnh dai như đỉa trong khi đối tượng không đồng ý; dùng lời lẽ dâm ô với người đồng giới; đề cập đến chuyện phòng the đến nỗi đồng nghiệp bị phân tâm không làm việc được… đều có thể phải ra tòa. Mức bồi thường thiệt hại tối đa là 300.000 USD. Ở bang California, hành vi quấy rối, tấn công tình dục người khác sẽ phải chịu mức án 22-40 năm tù giam kèm theo khoản phạt 10.000 USD. Tại thành phố New York, tội quấy rối tình dục có mức án từ 2-7 năm tù giam và được coi là trọng tội.
- Tại Malaysia, bất kỳ ai xúc phạm phẩm giá phụ nữ bằng lời lẽ cử chỉ hay phô bày đồ vật với ý định để người phụ nữ đó nghe và thấy lời nói, cử chỉ hay đồ vật này sẽ bị phạt tù mức cao nhất là 5 năm hoặc bị phạt tiền hoặc cả hai.
- Iceland: Người nào dùng quyền lực trong công việc để ép cấp dưới quan hệ tình dục sẽ bị phạt tù cao nhất đến 3 năm. Các hình thức quấy rối tình dục khác có án phạt tù mức cao nhất 2 năm.
|