Con mắc sởi vì mẹ theo trào lưu 'anti vaccine'

06:40 | 23/02/2019;
Hiện bệnh sởi tại TPHCM vẫn diễn biến rất phức tạp. Một phần nguyên nhân khiến bệnh sởi tăng là do trào lưu “anti vaccine” của một số bà mẹ dẫn tới không đi tiêm phòng sởi cho con, là nguồn lây lan bệnh trong cộng đồng.
Số liệu thống kê từ đầu năm 2019 đến nay đã ghi nhận gần 1.000 ca mắc bệnh sởi trên địa bàn TPHCM. Hiện tại bệnh sởi đã có mặt tại 24/24 quận - huyện, trong đó số ca mắc sởi tập trung nhiều nhất là ở các quận Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức, 7, 8 và huyện Bình Chánh.
 
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) hiện vẫn đang điều trị cho nhiều bệnh nhi bị sởi. Trong đó nhiều trẻ bị nặng, biến chứng viêm phổi...
 
Chị Linh (ngụ TPHCM) - có con đang điều trị sởi tại bệnh viện này cho biết, bé bị sốt cao 3 ngày rồi nổi ban, đến bệnh viện thì được chẩn đoán bị sởi. Theo chị Linh, từ 4 tháng tuổi đến nay, chị nghe theo phong trào “anti vắc xin” nên đã không cho bé tiêm phòng vì sợ con về ốm nhiều hơn. Chị ở nhà chăm sóc con, đồng thời cách ly với cộng đồng để khỏi bị lây nhiễm bệnh, nhưng cuối cùng bé vẫn mắc sởi.
 
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - cho biết, việc các phụ huynh theo phong trào “anti vắc xin”, không cho con tiêm ngừa ảnh hưởng nhiều đến tỉ lệ tiêm chủng. Theo bác sĩ Khanh, tỉ lệ tiêm chủng nếu tiêm sót mỗi năm 5% thì nhiều năm dồn lại sẽ có nhiều trẻ không được chích ngừa, việc mắc bệnh và lây lan sẽ nhanh chóng hơn, vì vậy sẽ dồn lại thành từng đợt và có thể thành dịch.
 
Số liệu thống kê từ đầu năm 2019 đến nay đã ghi nhận gần 1.000 ca mắc bệnh sởi trên địa bàn TPHCM.

 

Tại Hội nghị triển khai công tác tiêm chủng 2019, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết, mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp tăng độ bao phủ vaccine sởi trong cộng đồng nhưng thành phố mới chỉ có 76,2% trẻ em được tiêm phòng đủ 2 mũi sởi. Trong khi đó, yêu cầu tỷ lệ này phải đạt từ 90% trở lên.
 
Ông Dũng cho hay, những năm trước đây, tỉ lệ tiêm phòng vaccine sởi ở trẻ em tại thành phố trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng chỉ đạt từ 40-50%. Bằng nhiều biện pháp, năm 2018, thành phố đã nâng được tỷ lệ này lên 76,2%. Trong đó phải kể đến vai trò của tiêm chủng dịch vụ bởi ngày càng có nhiều người dân lựa chọn sử dụng tiêm chủng vaccine sởi dịch vụ.
 
Mới chỉ có 76,2% trẻ em trên địa bàn TPHCM được tiêm phòng đủ 2 mũi sởi

 

Dù vậy, hiện vẫn có một số bất cập trong việc tiêm phòng vaccine sởi dịch vụ, đó là các cơ sở tiêm chủng dịch vụ thường tư vấn phụ huynh đợi đến 12 tháng tuổi mới cho con tiêm phòng mũi tổng hợp 3 trong 1 gồm sởi - quai bị - rubella (MMR) thay vì tiêm mũi sởi đơn ở thời điểm 9 tháng. Như vậy, có một số lượng lớn trẻ đến 12 tháng tuổi mới được tiêm ngừa sởi, điều này sẽ khiến cho nguy cơ trẻ mắc sởi và lây lan sởi trong cộng đồng cao hơn.
 
“Đây chính là lỗ hổng tiêm chủng khiến cho bệnh sởi bùng phát và lây lan mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, trong 3.000 trẻ mắc bệnh sởi từ tháng 8/2018 đến nay, có đến 30% trẻ dưới 12 tháng tuổi và hoàn toàn chưa được tiêm phòng vaccine sởi”, bác sỹ Nguyễn Trí Dũng nói.
 
Trước tình trạng này, Sở Y tế TPHCM đã có công văn yêu cầu các cơ sở tiêm chủng dịch vụ cần tư vấn đầy đủ, chính xác cho người dân về thời điểm tiêm phòng bệnh sởi. Ngoài ra, Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở tiêm chủng dịch vụ cung ứng vaccine sởi đơn cho người dân. Trong trường hợp cơ sở tiêm chủng dịch vụ không có vaccine này cần hướng dẫn người dân đưa trẻ đến trạm y tế để trẻ được tiêm phòng bệnh sởi đúng lịch. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn