Con khóc đòi bế, Hòa Minzy có biện pháp dứt khoát khiến bé nín ngay lập tức

12:00 | 26/08/2021;
Bà mẹ cho rằng đây là phương pháp hay nên muốn chia sẻ cùng mọi người.

Ở độ tuổi lên 2, lên 3, cậu bé Bo - con trai nữ ca sĩ Hòa Minzy cũng giống như nhiều đứa trẻ khác, thường xuyên mè nheo, ăn vạ để thu hút sự chú ý của bố mẹ. Đáp lại những thói hư này của bé, nhiều bậc phụ huynh thường không kìm nén được nên dùng đòn roi hoặc quát mắng trẻ. Tuy nhiên, bà mẹ Hòa Minzy lại không làm theo cách đó.

Mới đây, cô chia sẻ một phương pháp giúp con trai đang mè nheo, khóc lóc đòi mẹ bế dần bình tĩnh lại, ngừng khóc và vui vẻ trò chuyện với mẹ. Hòa Minzy đã dứt khoát không đáp ứng nhu cầu của con trai mà thay vào đó, hỏi những câu hỏi để đánh lạc hướng Bo, giúp cho cậu nhóc không còn để ý đến việc mè nheo với mẹ nữa và bị thu hút vào các câu hỏi của mẹ.

Bé Bo "sập bẫy" mẹ Hòa và nín khóc tức thì.

Nữ ca sĩ cũng cho biết: "Đôi khi có những bạn khóc quá, mình nghe người khác nói là để mặc con khóc, thế là có bạn khóc mấy tiếng không ngừng. Nhưng thực ra lúc đó con cần yêu thương mà con ngại (kiểu đã khóc to rồi, cần dỗ cơ, chứ không tự nín được).

Lúc đó thay vì tới nói “mẹ thương, mẹ yêu, nín đi mẹ bế“ thì hãy đánh lạc hướng như mẹ Bo làm thử xem ạ. Không chiều theo cảm xúc của con nhưng vẫn không để con cô đơn ạ.

Thực ra là làm nghiêm chỉnh như vậy từ nhỏ ý mọi người chứ đợi con lớn 1 chút rồi mới điều chỉnh thì mình nghĩ khó lắm mọi người ạ. Chưa kể có nhiều bạn còn tính nóng và khó hơn Bo nữa!

Nhưng bạn Bo cũng không phải bạn nhỏ sinh ra đã có tính cách từ tốn hay hiểu chuyện đâu ạ, cũng rất nóng và hay quát lên nhưng do thời gian đã rèn bạn Bo biết lắng nghe hơn.

Giờ vẫn quấy và la khóc dữ lắm, nhưng biết nghe nên cũng đỡ hơn đó. Mẹ Hoà mới sinh bận đầu, nên giờ Bo lớn thấy cách làm hiệu quả mới dám chia sẻ với mọi người thôi chứ mỗi bé mỗi tính, hy vọng các mẹ sẽ đỡ vất vả hơn ạ".

Thay vì để mặc con khóc hay quát mắng, Hòa Minzy lựa chọn đánh lạc hướng con trai.

Cậu bé Bo là đứa trẻ thông minh nên sẽ bị chú ý vào những câu hỏi khó của mẹ.

Mẹo dỗ con nín khóc của Hòa Minzy sau khi chia sẻ nhận được lời khen ngợi từ mọi người. Bên cạnh đó, các mẹ cũng mong khi áp dụng với con của mình sẽ nhận lại hiệu quả tốt như bé Bo.

Trên thực tế, thái độ cáu gắt, khóc lóc của con chỉ là một cột mốc biểu hiện sự phát triển về ý thức và tình cảm của bé. Việc bé đột nhiên nổi cáu, hay gây ầm ĩ, mè nheo với người lớn cũng là một trong những biểu hiện của trạng thái trên. Ngoài áp dụng phương pháp như Hòa Minzy, các bậc cha mẹ có thể thực hiện 3 bước để xử lý cơn cáu gắt ở trẻ:

Trước tiên, mẹ cần tự thả lỏng tâm lý

Đầu tiên, mẹ nên thả lỏng tâm lý một cách thích hợp, không nên cáu gắt hay la mắng bé. Trẻ con trong giai đoạn này rất hay “thử thách” lòng kiên nhẫn và bao dung của mẹ. Có thể trước đây, bạn tự hào rằng mình là một người mẹ dịu dàng và chưa bao giờ nổi cáu với con, thì rất có thể mẹ sẽ mất bình tĩnh khi bé bước sang độ tuổi này với những thay đổi khác biệt về tâm lý, tình cảm.

Hãy xem mọi chuyện thật đơn giản, rằng mọi đứa trẻ đều cần phải bước qua giai đoạn này để lớn lên, để trường thành. Và biết đâu, trong quá khứ chính bản thân những người lớn như cha mẹ cũng từng có những biểu hiện như vậy. Mẹ đừng quá lo lắng, cũng đừng bực tức với con, mà thay vào đó là sự thấu hiểu và thương yêu con nhiều hơn.

Ảnh minh họa

Cho phép trẻ nổi cáu

Đôi khi, việc bé nổi cáu là để thử năng lực của bản thân, trải nghiệm những trạng thái và tác động của các cơn cáu giận mang lại. Hãy để trẻ thoải mái trải nghiệm những trạng thái hoàn toàn mới này, nếu nó không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng. Trẻ nổi cáu chỉ tới một mức độ nhất định thôi rồi sẽ dừng lại, khi ấy mẹ nên dành thời gian giải thích cho bé hiểu.

Những cái ôm – liều thuốc làm dịu “cơn khó tính” hữu hiệu nhất

Khi mà các nhóc đã chán làm ầm ĩ rồi, tiếng khóc nhỏ dần và liên tục đảo mắt nhìn đồ vật xung quanh… mẹ hãy thử đến gần và ôm bé. Nếu bé không kháng cự, tức là nhóc nhà mình đang rất cần chia sẻ và quan tâm từ cha mẹ. Hãy ôm bé vào lòng và vỗ về.

Sau khi mọi chuyện đã hoàn toàn bình thường trở lại, mẹ có thể nói chuyện thật nhẹ nhàng với con, với giọng quan tâm và lo lắng thực sự, ví dụ hỏi bé rằng: “Lúc nãy, tại sao con lại cáu gắt như vậy? Có phải là cảm thấy không ổn ở đâu không?”, “Lần sau có cảm thấy khó chịu, hãy nói cho mẹ nghe này. Một em bé ngoan sẽ không thích khóc nhè và khó chịu đâu”.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, mẹ cũng nên tránh biểu hiện thái độ xót con hoặc tỏ thái độ như bé đang bị oan ức, bởi làm như vậy sẽ tạo thói quen xấu cho trẻ, nghĩ rằng, cứ khóc ầm ĩ thì sẽ có người quan tâm và đến dỗ dành.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn