Con mệt mỏi khi suốt ngày mẹ than hết tiền

18:48 | 25/08/2019;
Lần nào cần tiền đóng học hay khoản gì chi tiêu là khiến con mệt mỏi. Xin mẹ thì suốt ngày mẹ than hết tiền. Xin bố thì bố tiếp tục điệp khúc cũ: “Việc đấy là của mẹ, nhiệm vụ của bố là lo cho con những việc lớn”.

Nếu gia đình mình nghèo khó thì con không nói làm gì. Đằng này, bố là người kiếm ra tiền. Mỗi bữa nhậu của bố toàn tiền triệu. Quần áo bố mặc không phải hàng hiệu nhưng cũng là đồ đắt tiền. Mẹ suốt ngày than hết tiền nhưng tháng nào cũng đi du lịch, tuần nào cũng tụ tập bạn bè ăn uống, cà phê và vài ngày lại thấy mẹ xách túi quần áo mới mua về.

 

xin-tien-4.jpg
Suốt ngày mẹ than hết tiền, suốt ngày bố sợ cho tiền thì con hư hỏng. Ảnh minh họa

 

Thế nhưng, khi con xin tiền đóng học thì mẹ đùn đẩy cho bố, còn bố lại từ chối thẳng thừng. Đến khi con không chịu nổi và cáu lên thì mẹ mới rút tiền trong ví và “nhấm nhẳng”: Sao vừa mới nộp mà lại nộp tiếp rồi cơ à? Sao vừa đóng mấy triệu học tiếng Anh mà giờ lại đóng tiền học Toán, Lý nữa? Suốt ngày tiền học thêm, thế mà học không ra hồn thì lần sau đừng xin tiền nữa?

Chính vì xin bố mẹ tiền học khó khăn như vậy nên thực sự con rất nản. Đến hạn nộp tiền học bóng rổ nhưng con đã khất lần khất lữa với người phụ trách. Quá 1 tháng, con mới rón rén xin mẹ. Mẹ nhận được tin nhắn nộp tiền từ câu lạc bộ bóng rổ nên không có cớ gì từ chối con. Chỉ có điều, mẹ gọi con đưa tiền với bộ mặt vô cùng thiểu não: Mẹ móc sạch túi mới đủ tiền cho con nộp. Từ giờ đến lúc lĩnh lương, mẹ không còn đồng nào để tiêu. Thực sự, lúc ấy con cầm tiền mà vô cùng ái ngại.

Chiều hôm ấy, con quyết định không nộp tiền học bóng rổ và đưa số tiền ấy cho mẹ. Con sẽ xin bố với suy nghĩ bố sẽ không từ chối con khoản tiền hợp lý này. Thế nhưng, con lại một phen thất vọng khi lúc nào bố cũng rao giảng đạo đức cho con và cái kết là: Con xin tiền mẹ, nhiệm vụ của bố là lo cho con những việc lớn.

Buổi tối hôm ấy, con nghe trộm được câu chuyện của bố mẹ. Bố cằn nhằn mẹ việc xui con xin tiền bố, rằng việc đóng tiền học là việc của mẹ, còn bố lo cho con những việc lớn hơn. Con không biết những việc lớn của con là việc gì? Có phải việc “chạy” cho con vào trường tốt? Con từng nói với bố mẹ, con không cần bố làm điều đấy. Với con, đó là sự xấu hổ.

 

day-con-1.jpg
 Ảnh minh họa

 

Con muốn học ở nơi mà con cảm thấy tự tin, bằng chính khả năng của con chứ không phải học ở ngôi trường mà phải “mua” bằng tiền. Có thể bố mẹ cần danh tiếng chứ con thì không. Nếu bố mẹ cần thì bố bỏ tiền ra để mua danh tiếng cho bố chứ có phải là mua cho con đâu mà bố “kể công” là lo việc lớn cho con. Bố cũng không quên nhắc nhở mẹ, cần chặt chẽ với con trong chuyện tiền bạc để con không đua đòi, sa ngã.

Con học lớp 10, con đã lớn chứ không phải là đứa trẻ học cấp 1, cấp 2. Con có bạn và con cũng cần phải chi tiêu. Thế mà, ngoài tiền gửi xe vài nghìn đồng mỗi ngày, bố yêu cầu mẹ không cho con thêm đồng nào nữa. Không chỉ có vậy, bố còn dặn ông bà, cô chú không được cho con tiền. Lúc nào bố cũng chỉ lo con cầm tiền sẽ hư. Con rất buồn khi bố không tin tưởng con. Không có tiền trong tay, con gần như không có bạn. Nhìn các bạn rủ nhau đi uống nước, con liền từ chối với lý do có việc bận. Các bạn rủ đi đá bóng, con cũng chỉ lắc đầu vì không có tiền để đóng tiền thuê sân. Con cứ lẻ loi, một mình, tự ti và dần dần bị bạn bè cô lập chỉ vì “không có tiền”.

Bố có thể không cần phải “lo việc lớn” cho con và tin tưởng con hơn không? Bố mẹ à, đâu phải cứ cầm tiền trong tay là chúng con có thể hư ngay lập tức. Quan trọng là con biết ứng xử và làm chủ số tiền ấy.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn