Con muốn đốt hết sách, đốt cả căn phòng này mẹ ơi!

23:10 | 21/04/2018;
"Con muốn đốt hết sách, đốt cả căn phòng này mẹ ơi!" - lời than đẫm nước mắt trong lá thư gửi mẹ dưới đây của T.M - cô bé lớp 9 (Hà Nội) về việc bị mẹ "nhồi" học sẽ khiến không ít bậc phụ huynh giật mình.
collage_photocat.jpg
Những dòng chữ đẫm nước mắt trong lá thư gửi mẹ của T.M

 Hôm nay, vừa hoàn thành xong môn thi cuối cùng học kỳ, lẽ ra con phải thở phào nhẹ nhõm, được nghỉ xả hơi (ít nhất là một buổi tối) nhưng thay vào đó, mẹ lại ca "bài ca giáo huấn" và lên kế hoạch nước rút hơn để con chạy đua với “kỳ thi sống còn” vào PTTH của con.

Có nhất thiết phải như thế không mẹ? Khi mà con vừa cơm nước xong, lên phòng riêng và thoải mái nghe một bản nhạc con thích với âm thanh hơi to một chút, lập tức mẹ chạy rầm rầm từ dưới nhà lên, đập cửa ầm ầm rồi lao vào mắng mỏ con vì cái tội “vui quá sớm”, “chủ quan quá trớn”, “nghe nhạc vớ vẩn, cứ thế này thì làm sao thi được điểm cao để vào lớp chọn?”.

Con nhìn mẹ đầy ngỡ ngàng, thất vọng! Lớp chọn hơn hay cảm xúc vui vẻ, được truyền cảm hứng của con gái mẹ hơn? “Chuyên, chuyên, chuyên, chọn, chọn, chọn”, ai cũng chuyên với chọn thì lớp thường, trường quê ai học hả mẹ?

Mẹ cũng chẳng cần quan tâm đến thái độ của con hay để con kịp lên tiếng bày tỏ lòng mình, mẹ lôi điện thoại nói chuyện với thầy cô nào đó một chặp, đại loại chốt lịch ngay từ chiều mai, con sẽ tuân thủ lịch học tập mới, kín đặc cho đến ca 10 giờ đêm…

cebraton_ekmp.jpg
Áp lực học hành từ phía phụ huynh sẽ khiến con dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi, căng thẳng, stress. Ảnh minh họa.

 Gọi điện xong, mẹ chốt lại với con: “Thời gian không còn nhiều, mẹ biết mẹ ép con học nhiều hơn so với các bạn, nhưng thà con cố gắng căng mình thêm hơn 1 tháng nữa còn hơn để tuột tương lai sau này, ân hận cũng không kịp. Con phải học để chuẩn bị nền tảng đi du học vào năm lớp 11”.

Mẹ nói xong quay ra khỏi phòng một cách lạnh lùng, dứt khoát và nghiêm khắc, khiến con đổ sụp. Trong nhà mình, ý mẹ là tối cao. Hình như mẹ chưa hỏi con hôm nay thi xong tâm trạng thế nào, con có mệt lắm không, có cần nghỉ ngơi đôi ba ngày không? Mẹ luôn bảo, “nếu mẹ cho phép con lười một hôm đồng nghĩa với việc con sẽ lười cả đời”. Sao mẹ vô lý thế mẹ? Lúc nào mẹ cũng so sánh, hồi mẹ đi học, mẹ luôn đứng đầu lớp vì ông bà nghiêm khắc nên giờ mẹ không thể lơ là với con. Mẹ ơi, mẹ là mẹ, làm sao mẹ lại bắt con giống mẹ được?

Tự nhiên, con muốn đốt hết sách, đốt cả căn phòng này quá mẹ ơi! Học, học, học! Thi, thi, thi!… con muốn nổ tung cái đầu con mất!

Vừa mới cách đây đôi tuần, chả lẽ mẹ không đọc vụ 1 bạn ở trường nọ tử tử vì áp lực học hành. Hôm đó, lớp con mỗi đứa một bình luận, có đứa đồng cảm, xót xa; có đứa bỗ bã, lên án…, còn con, con ngồi im lặng, không comment. Nhưng thực sự, trong lòng con cảm thấy nặng trĩu, không muốn nghe, muốn nghĩ, muốn bàn luận.

11.jpg
Lá thư T.M gửi mẹ. Ảnh PV

 Từ bao giờ con cảm thấy con không phải là con, mà con là “cục bột” để mẹ nhào lặn; con cảm thấy mình là “vật thế thân”, là “mũi tên” cho những kế hoạch, dự định của mẹ trong tương lai.

Từ cuối năm lớp 8 đến nay, từ khi mẹ đặt ra mục đích bằng mọi giá con phải phấn đấu thi vào một trong các trường top đầu của Hà Nội, mẹ đã biến con thành con robot sách vở không hơn không kém! Mẹ ép con ăn, nhồi con học hết thầy cô nọ đến lò luyện kia mà không để tâm xem con có thể nạp được bao nhiêu phần trăm kiến thức. Mẹ bắt con ăn những món ăn con không thích nhưng “có lợi cho sức khỏe để học hành” ,mẹ hạn chế tối đa con giao tiếp với bạn để “chuyên tâm lo chuyện học hành”. Thế nên, đã cả năm nay con không hề biết đến 1 chương trình truyền hình hay đặt chân đến rạp chiếu phim. Con thèm cuộc sống của mấy đứa bạn con, chúng không ở top đầu lớp nhưng tinh thần chúng lúc nào cũng tràn trề niềm vui, hớn hở.

Mẹ ơi, cứ thế này thì đời con trôi về đâu? Liệu con có “bình an” đến được bến bờ mẹ định cho tương lai của con?

Lần trước, con bị một điểm 8, mẹ cằn nhằn, đay nghiến nọ kia. Mẹ xuýt xoa vì nó làm ảnh hưởng lớn, kéo các điểm 9, 10 của con xuống. Con buồn quá, con đã nhắn tin rất dài qua messenger xin lỗi mẹ và giải thích với mẹ về quan điểm của con, rằng con sẽ nỗ lực hết sức nhưng với con, điểm số không quan trọng, miễn là con sống có trách nhiệm với bản thân mình. Con tưởng khi con nói hết lòng mình với mẹ, mẹ sẽ hiểu con hơn song thật chẳng ngờ, hôm ấy, 11 giờ đêm mẹ còn “hẹn” nói chuyện với con. Con thèm mẹ ôm con vỗ về, động viên thì mẹ lại “lên dây cót” cho con về kế hoạch “phục thù giành lại ngôi vị trong lớp. Sau điểm 8, mẹ giám sát và thiết quân luật với con chặt chẽ hơn.

21640494102077695874771661551277573o-1505466491549.jpg
Không ít học sinh đã hành động dại dột vì không chịu được áp lực học hành. Ảnh minh họa

 Hàng ngày, từ sáng đến 8 giờ tối là các lịch học dày đặc của con. Biết mẹ thương con, và vì nhà mình có điều kiện nên mẹ thuê hẳn một chiếc taxi của người quen đưa đón con di chuyển giữa những ca học chính – học thêm mỗi ngày. Nhiều lúc lên xe, con ngồi như vô hồn, chú lái xe đưa cho chiếc bánh bao và hộp sữa dinh dưỡng mà con chẳng muốn nhai, dù đói lả. Con chỉ ước, có thể chợp mắt 15, 30 phút giữa các ca học mà khó hơn hái sao trời!

Tối muộn về đến nhà, mẹ đã trực sẵn để nhồi con ăn bồi bổ sức khỏe. Nhưng mẹ ơi, con tiêu hóa làm sao nổi khi đầu óc lúc nào cũng căng thẳng, miệng đắng chát như người bị bệnh. Ăn uống, thay đồ xong con lại như một cái máy tự động ngồi vào bàn học. 11h30 đêm kiểu gì con cũng phải lên giường đi ngủ để sáng hôm sau 4h30 phải thức giấc. Mẹ còn kêu, “thời đại 4.0 không có chỗ cho những đứa dốt và lười!...”.

...

Con hiểu, tất cả những điều mẹ nói, mẹ mong, mẹ lập trình sẵn cho con!

Nhưng mẹ ơi, con đâu phải là thiên tài?

Mỗi ngày con ngủ được 5 tiếng. Vậy mà trong chiêm bao con cũng không mơ thấy mình được đi chơi hay thư giãn đâu đó, mà vẫn là sách vở cùng những “mệnh lệnh tối thượng” của mẹ.  

Mẹ ơi, mẹ có thấu lời than đẫm nước mắt của con gái mẹ? Con điên mất, đừng ‘nhồi’ con học nữa, được không!?

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn