“Người thông minh không trốn tránh đau khổ, họ học cách tiếp nhận đau khổ” - Hermann Hesse, nhà văn người Đức.
Khi bạn lững thững bước trên con đường lớn với sự mệt mỏi từ thể xác lẫn tâm hồn trong đêm muộn, bạn có từng ngước lên nhìn ánh trăng trên cao rồi cúi đầu thở dài không? Lúc đó bạn đã nghĩ gì? Có phải bạn sẽ tự động viên bản thân rằng: “Không được! Phải cố gắng lên. Mình không muốn sau này phải khổ”.
Có tiền trong tay, bạn có thể nói “không” với rất nhiều người. Ví như ông chủ phòng tồi tệ, hay ông chồng vũ phu. Thậm chí, bạn có thể nói: “Tôi giàu, giàu đến mức có thể khiến người sếp năm xưa khinh khi tôi phải nhún nhường”.
Cho nên, trong nhận thức của nhiều người, cố gắng kiếm tiền trở thành một cách giải quyết đau khổ nhanh nhất. Nhưng nếu cẩn thận suy nghĩ lại, bạn sẽ phát hiện tình trạng này chỉ là đang “uống thuốc độc giải khát” mà thôi!
Bạn biết cái gì gọi là “thường lạc ngã tịnh” trong Phật giáo không?
“Thường” ở đây có nghĩa là vĩnh viễn không thay đổi. Nhưng xung quanh ta làm gì có chuyện gì mãi mãi không thay đổi được? Cơ thể sẽ già đi, tình cảm sẽ biến chất, đồ vật sẽ hư hỏng. Cho nên, “thay đổi” mới là cái mãi mãi không thay đổi.
Rất nhiều người không hiểu điều này, lúc nào họ cũng đòi hỏi một loại tình cảm vĩnh hằng, hay muốn bản thân phải giàu có suốt đời, từ lúc sinh ra đến khi mất đi. Nhưng họ lại không nhận thức được, bản thân chẳng có sức để thay đổi bốn chữ “thế sự vô thường”.
“Lạc” ở đây không có nghĩa là vui vẻ. Mà cái gọi là “lạc” chỉ đơn giản là sự đau khổ đang tạm dừng nghỉ ngơi, lúc đó bạn mới thấy quý những phút giây được giải lao ấy.
Ví như vào ngày trời nắng nóng, ta uống một ngụm nước mát, cảm thấy thật sảng khoái. Đây là lúc sự khó chịu do thời tiết mang lại tạm dừng. Nhưng sau một lúc, nếu bạn không tiếp tục uống thì cái “khó chịu” đó sẽ tiếp tục đeo bám.
Còn “tịnh”, ý chỉ trạng thái không cưỡng cầu, bởi vì không có tham vọng nên không có đau khổ. Cho nên, muốn không có đau khổ thì hãy theo đuổi chữ “tịnh” này.
Ban đầu, tôi cảm thấy những điều này rất đúng, nên quyết tâm sẽ từ bỏ tham vọng trong mọi thứ, phá vỡ định kiến để giảm thiểu đau khổ!
Nhưng chưa đến một giây sau, cơ thể tôi đã lên tiếng chống đối, đòi ăn đòi uống, đòi được đi chơi! Sau đó tôi không thể không cúi đầu trước hiện thực, ăn một bữa cơm khuya thật no. Thế là không thể giảm cân được!
Vậy hóa ra, ta chỉ đau khổ khi tham vọng không được thỏa mãn. Con người ta chẳng bao giờ biết đủ đầy là gì, có thứ này thì lại muốn thứ khác.
Để loại bỏ đau khổ, đầu tiên bạn cần phải hiểu: Đau khổ có hai loại, đau khổ thể xác và đau khổ tinh thần.
Ở đây ta chỉ xét đến đau khổ tinh thần. Không chỉ phải chỉ vì tham vọng không thành hiện thực mà ta bất mãn, đây còn là vấn đề của tri thức.
Trạng thái tinh thần của bạn sẽ thay đổi khi đạt được thành tựu ở một lĩnh vực hoặc chỉ đơn giản là hôm nay bạn biết thêm được một ít điều kỳ thú của thế giới rộng lớn đầy bí ẩn này.
Cho nên, không ngừng nâng cao tri thức cũng là một cách hiệu quả để giảm thiểu đau khổ và tìm về hạnh phúc.
Loại đau khổ tinh thần phổ biến nhất là sự tương phản quá lớn giữa hiện thực và khát vọng.
Bạn nghĩ về tương lai quá đẹp, quá hạnh phúc, vậy khi hiện thực tàn khốc xuất hiện trước mặt, bạn sẽ dễ dàng bị đánh ngã và không gượng thể dậy.
Ví như bạn mong con mình sau này có thể xinh đẹp, thông minh và giỏi giang. Nhưng khi con không đạt được ngưỡng kỳ vọng, bạn sẽ thấy đau khổ, thậm chí là tự trách trong một thời gian dài.
Vậy cách để hạnh phúc chính là hạ thấp ngưỡng kỳ vọng, bạn chỉ mong sau này con lớn lên mạnh khỏe bình thường, không bệnh tật quấn thân, cũng có thể tự lo được cuộc sống sau này khi bạn về với đất trời. Lúc đó, bạn và con cái sẽ cảm thấy thoải mái, vui vẻ và tìm được hạnh phúc trong cuộc sống.
(Nguồn: Zhihu)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn