Còn nhiều bất cập sau 3 năm thi hành Luật Báo chí 2016

15:21 | 04/12/2019;
Dù mới có hiệu lực trong 3 năm, Luật Báo chí 2016 đã bộc lộ không ít những bất cập.

Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí 2016 do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức vừa diễn ra sáng 4/12 tại Hà Nội.

Sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí 2016: Vẫn còn nhiều bất cập - Ảnh 1.

Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Luật Báo chí 2016

Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Báo chí ngày 5/4/2016, Bộ TT&TT đã tổ chức nhiều hội nghị tại khu vực phía Bắc và phía Nam nhằm quán triệt, phổ biến Luật Báo chí cho lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương, các cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí trên toàn quốc.

Ngoài ra, Bộ TT&TT cùng các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức cũng như tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho lãnh đạo và phóng viên các cơ quan báo chí…

Nhìn chung, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở Trung ương và địa phương, các bộ ngành, cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Báo chí 2016… Các cơ quan báo chí đã bám sát các quy định tại Luật Báo chí 2016 để triển khai trong thực tiễn. Nhiều cơ quan báo chí thực hiện nghiêm theo tôn chỉ, mục đích quy định trong giấy phép hoạt động báo chí đã được cấp; các nhà báo tác nghiệp đúng quy định; thực hiện các quy định về phản hồi thông tin, khai thác thông tin, trả lời phỏng vấn theo quy định…

Sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí 2016: Vẫn còn nhiều bất cập - Ảnh 2.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT phát biểu tại Hội nghị

Qua 3 năm triển khai thi hành Luật Báo chí 2016, nhiều bộ, ngành, địa phương cho rằng, Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc. Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được đảm bảo và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định.

Luật Báo chí 2016 quy định khá rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên.

Mặc dù Luật Báo chí 2016 đã tạo hành lang pháp lý và các hoạt động liên quan cho báo chí phát triển song trong quá trình thực hiện vẫn còn không ít bất cập. Ví dụ như, khoản 15 Điều 3 quy định: "Tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng". Với định nghĩa này, chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử, dẫn đến tình trạng "báo hóa", gây khó khăn trong công tác quản lý.

Ngoài ra, hàng loạt các quy định về Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú vẫn còn những kẽ hở nhất định. Ví vụ như Luật hiện hành quy định cơ quan báo chí lập văn phòng đại diện chỉ cần thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương…, nhưng nhiều cơ quan không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Có cơ quan báo chí thông báo thành lập "điểm nhận tin" và treo biển hoạt động như văn phòng đại diện, gây lúng túng cho địa phương.

Luật Báo chí cũng chỉ quy định về nhà báo và phóng viên thường trú, chưa quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên trong khi thực tế đội ngũ này ở văn phòng đại diện các địa phương khá nhiều.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng quy định tại khoản 1, Điều 25 "Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo" chưa bao quát hết các đối tượng đang thực hiện nghiệp vụ phóng viên trong các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, mặc dù Điểu 25 quy định nhà báo "được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo", nhưng ngoài thẻ nhà báo, nhiều cơ quan, tổ chức vẫn yêu cầu nhà báo phải có giấy giới thiệu của cơ quan báo chí.

Luật báo chí 2016

 được Quốc hội thông qua ngày 5/4/2016 (có hiệu lực từ 1/1/2017) đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc. Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được đảm bảo và phát huy…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn