Còn nhiều bệnh viện ở TP HCM thu 'phí chăm nuôi’

18:45 | 10/04/2019;
Theo tìm hiểu của PNVN, ở TP HCM còn nhiều bệnh viện tiến hành thu "phí chăm nuôi người bệnh" với các mức khác nhau. Bệnh viện lý giải khoản thu này nhằm bù đắp cho tiền điện, nước, an ninh... và hạn chế lượng người vào bệnh viện.
Tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, sau khi gặp phải phản ứng của người đi nuôi bệnh nhân về mức thu khoản "phí chăm nuôi" 30.000 đồng/người/ngày đêm, vào ngày 9/4, Ban giám đốc Bệnh viện đã có thông báo đến các khoa ngưng thu phí người nhà nuôi bệnh nhân.
 
Theo tìm hiểu, hiện trên địa bàn TP HCM đang có một số bệnh viện tiến hành thu phí đi nuôi người bệnh, với mức thu khác nhau ở từng bệnh viện. Chị T.Đ - từng thăm nuôi người bệnh tại Bệnh viện Từ Dũ cho biết, cách đây chừng 1 tháng, chị có đưa chị gái vào bệnh viện mổ cấp cứu thai ngoài tử cung, bệnh nhân có BHYT nhưng sau khi mổ, hết giường BHYT phải nằm giường dịch vụ ngoài hành lang 170.000 đồng. Bệnh viện yêu cầu người nhà phải đóng 100.000 đồng/người khoản phí nuôi người bệnh. Việc đóng tiền không có biên lai, hóa đơn.
 
Lãnh đạo Bệnh viện Từ Dũ cho hay, bệnh viện có thu 100.000 đồng đối với người thứ 2 đi nuôi bệnh nhân (người đi nuôi thứ nhất không tính tiền). Việc thu tiền này được bệnh viện công khai và mức phí này chỉ áp dụng thu ở khu dịch vụ.
 
Theo lý giải, việc thu tiền người đi nuôi bệnh nhân nhằm hạn chế lượng người vào bệnh viện quá đông, đảm bảo an ninh trật tự cũng như chi phí điện, nước, tăng cường bảo vệ đi từng phòng bệnh trong bệnh viện.
 
Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cũng đang có chủ trương (nhưng chưa tiến hành) việc thu phí với người đi nuôi bệnh nhân. Theo đó, bệnh viện sẽ thu phí đối với người thứ 3. Tức là mỗi bệnh nhân hiện nay được phép có đến 2 người thăm nuôi, nếu thêm người thứ 3 thì bệnh viện sẽ thu phí. Theo bệnh viện thì việc thu phí này hỗ trợ một phần các chi phí phát sinh và giúp giảm lượng người nhà đông đúc. Tuy nhiên, để thu phí này thì bệnh viện sẽ trải qua một quá trình làm công tác tuyên truyền khá kỹ để người bệnh, thân nhân người bệnh hiểu và chia sẻ.
 
Được biết, cách đây 5 năm, Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM cũng tiến hành thu "phí chăm nuôi" nhân nhưng sau đó Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu dừng và bệnh viện đã dừng việc thu phí này.
 
 
Người nhà bệnh nhân tại một bệnh viện nhi tại TPHCM - Ảnh minh họa.

 

Bác sĩ Võ Đức Chiến - Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) cho biết, bệnh viện chưa bao giờ thu tiền đối với người nhà đi nuôi bệnh nhân. Tuy nhiên, theo bác sĩ Chiến, ông không phản bác khoản phí này. Lý do là trong các bệnh viện công thì viện phí chưa được tính đúng tính đủ, bệnh viện gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, các chi phí như việc kiểm soát nhiễm khuẩn hay việc người thân đi kèm theo sử dụng thang máy, ăn uống, giặt giũ … hầu hết bệnh viện không thu vì chưa có cơ chế.
 
“Nhưng thu như thế nào, với lý do gì? Và phải thông báo, hướng dẫn rõ ràng với người bệnh và thân nhân, phải được sự đồng thuận”, bác sĩ Chiến nói.
 
Trước đó, trao đổi với báo chí liên quan đến vấn đề người dân bức xúc về việc thu phí 30.000 đồng/người/ngày đêm tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, PGS.TS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, việc làm của bệnh viện cũng nhằm mục đích để thân nhân người bệnh có nhiều tiện ích hơn. Tuy nhiên, cách làm của bệnh viện chưa đúng trong việc thu tiền trọn gói mỗi người dân khi đi nuôi người bệnh.
 
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, thay vì yêu cầu người dân đóng tiền trọn gói mỗi ngày thì bệnh viện nên làm theo kiểu cung ứng dịch vụ theo nhu cầu; ví dụ như người dân muốn thuê ghế bố, giường… để nằm thì bệnh viện sẽ đáp ứng theo yêu cầu cung ứng dịch vụ này thì được.
Vấn đề đặt ra ở đây là bệnh viên công lập đặt ra khoản phí "đi nuôi người bệnh" này dựa trên căn cứ nào? 
phunuvietnam.vn sẽ tiếp tục đề cập đến vấn đề này.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn