Gần 3.500 nạn nhân được Ngôi nhà Bình yên hỗ trợ
Trước thực trạng bạo lực gia đình xảy ra với phụ nữ và trẻ em tại nhiều nơi trên cả nước, từ năm 2007, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã xây dựng và vận hành 01 phòng Tham vấn và 02 Ngôi nhà Bình Yên (Nhà tạm lánh cho phụ nữ bị bạo lực gia đình và Nhà tạm lánh cho nạn nhân bị mua bán trở về) tại Hà Nội và 01 Ngôi nhà Bình yên tại Cần Thơ.
Bà Dương Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, cơ quan phụ trách Ngôi nhà Bình yên, cho biết: Mục tiêu hoạt động của Ngôi nhà Bình Yên là hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, bị lạm dụng, xâm hại tình dục và mua bán người, giúp họ phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và tạo điều kiện để tái hòa nhập cộng đồng an toàn và bền vững, đồng thời góp phần thực hiện đồng bộ, đầy đủ các quy định của luật pháp, chính sách của nhà nước.
Với nguyên tắc bảo vệ sự an toàn và lấy thân chủ làm trọng tâm, Ngôi nhà Bình Yên cung cấp gói dịch vụ hỗ trợ miễn phí và toàn diện cho nạn nhân, bao gồm: nơi ăn, ở an toàn; khám và điều trị, phục hồi sức khỏe thể chất; tư vấn ổn định, phục hồi sức khỏe tâm thần. Không chỉ hỗ trợ nạn nhân, Ngôi nhà bình yên còn tư vấn, hỗ trợ pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích; hỗ trợ học văn hóa và học nghề, giới thiệu việc làm; hướng dẫn kỹ năng sống, kỹ năng mềm, giao tiếp ứng xử và ứng phó với bạo lực gia đình, mua bán người; hỗ trợ và theo dõi hồi gia. Cho đến nay, Ngôi nhà bình yên đã tiếp nhận và hỗ trợ gần 3.500 nạn nhân đến từ 50 tỉnh, thành trong cả nước.
Với những hỗ trợ thiết thực từ Ngôi nhà Bình yên, nhiều phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình đã có thể tự chủ, quyết định cho cuộc sống của bản thân. Tuy nhiên, trong quá trình hỗ trợ người tạm trú, đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội của Ngôi nhà Bình yên gặp không ít khó khăn trên hành trình họ đang theo đuổi.
Từ trường hợp cụ thể của một phụ nữ bị bạo lực gia đình, chị đến phòng Tham vấn nhưng không có giấy tờ tùy thân bởi đã bị người chồng bạo lực giữ hết. Qua trao đổi, nhân viên của Ngôi nhà Bình yên nhận thấy chị bị bạo lực gia đình ở cả 4 dạng (thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế). Tuy nhiên, vấn đề bạo lực của chị chưa được chính quyền địa phương xem xét giải quyết đầy đủ, nạn nhân bị đổ lỗi… Do vậy, Ngôi nhà Bình Yên gặp khó khăn trong công tác phối hợp, giải quyết vấn đề bạo lực của nạn nhân. Vấn đề an toàn của chị và các con chưa được quan tâm, đảm bảo.
Những vấn đề này đã được nêu ra để thảo luận tại Hội thảo ca hỗ trợ người tạm trú tại Ngôi nhà Bình yên, được Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức chiều ngày 01/10/2021 tại Hà Nội. Để có thể hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân bạo lực gia đình, các đại biểu, chuyên gia đến từ Hội LHPN Việt Nam, Bộ Công An, Cục Trợ giúp pháp lý, Trung tâm Công tác xã hội, các luật sư và Hội LHPN, cùng chính quyền địa phương trao đổi, thảo luận để đưa ra các giải pháp hỗ trợ thân chủ, đặc biệt là việc bảo vệ sự an toàn và quyền lợi hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.
Hội thảo cũng nhằm kết nối nguồn lực, phối hợp với địa phương, các đối tác hỗ trợ ngoài cộng đồng cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới; đưa ra những cơ chế phối hơp giữa các cấp, các ngành có liên quan nhằm bảo vệ tốt nhất cho sự an toàn của trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Theo thông tin được nêu ra tại hội thảo, có đến 58% phụ nữ đã kết hôn từng trải qua bạo lực gia đình. Nhiều vụ bạo hành nghiêm trọng dẫn đến tử vong hoặc đẩy nạn nhân vào tình trạng tàn phế, nhiều người bị giết hoặc tự tìm đến cái chết. Trẻ em là nạn nhân trực tiếp hoặc phải sống trong môi trường bạo lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm lý, nhân cách. Nhiều em bỏ học đi lang thang có nguy cơ bị mua bán người hoặc sa vào các tệ nạn xã hội, khi lớn lên các em có thể trở thành người gây bạo lực hoặc cam chịu bạo lực.
Bạo hành gia đình gây mất trật tự an ninh, phá vỡ nền tảng gia đình, gây tổn thất về mặt kinh tế đặc biệt đe dọa nghiêm trọng đến nền tảng đạo đức xã hội. Có thể nói, bạo lực gia đình là tình trạng đang tồn tại phổ biến trong xã hội cần được các cấp, các ngành quan tâm, vào cuộc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn