Con nộp nguyện vọng vào lớp 10 ‘cửa trên’, mẹ và con căng mình chạy nước rút

14:50 | 24/04/2019;
Sức học của con vừa vừa, nhưng con vẫn kiên quyết nộp nguyện vọng vào lớp 10 ở trường “cửa trên” khiến người mẹ vô cùng “đau tim”. Chẳng thể làm cách nào, mẹ và con căng mình chạy nước rút khi ở thế “được ăn cả, ngã về không”.
_dsc9094.JPG
Nhiều phụ huynh hỗ trợ, thậm chí học cùng con trong thời điểm nước rút của kỳ thi vào lớp 10

Khi con trai quyết định nộp nguyện vọng 1 vào trường THPT Lê Quý Đôn (Đống Đa, Hà Nội), chị Thu Hoài (Trường Chinh, Hà Nội) vô cùng lo lắng. Nếu tính sức học của con, tính điểm thi cuối kỳ, thi thử thì so với điểm chuẩn mọi năm của trường THPT Lê Quý Đôn, con chỉ ở mức suýt soát. Tuy nhiên, năm nay tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội không giống mọi năm khi số môn thi là 4, nên việc dự đoán điểm chuẩn vô cùng khó. Để “chắc ăn”, điểm thi của con phải đảm bảo cao hơn hẳn mọi năm thì mới yên tâm.

Không còn lựa chọn nào khác, khi con từ chối nộp nguyện vọng vào trường THPT Đống Đa với mức an toàn cao, chị Thu Hoài đành cùng con chạy nước rút trong trong tháng cuối vô cùng áp lực này. Ưu tiên lúc này của chị là việc học của con, mọi việc khác không quan trọng.

Môn Toán của con được đánh giá là khá nhất, nhưng lại bị mất điểm trình bày do con làm tắt, làm ẩu. Toán lại nhân hệ số 2, vì vậy mất 0,5 điểm cũng là điều vô cùng đáng tiếc. Thế nên, để bảo toàn điểm Toán cho con, chị đã “đầu tư” bằng việc thuê 1 sinh viên Bách Khoa về kèm con học. Những phần nào con chưa chắc, những phần nào trình bày còn chưa rõ ràng, chị yêu cầu gia sư hoàn thiện cho con trong vòng 1 tháng.

thi-vao-10.jpg
Con nộp nguyện vọng vào 10 "cửa trên", mẹ đau tim vì ở thế "được ăn cả, ngã về không". Ảnh minh họa

Môn Văn cũng nhân hệ số 2 nhưng lại là môn con lười học nhất, điểm bấp bênh nhất. Không thể yên tâm để con tự học, chị Thu Hoài quyết định bắt tay vào học cùng con. Buổi sáng dậy sớm, chị cùng con học. Qua bài giảng của cô giáo, chị phân tích lại cho con hiểu và yêu cầu con nhớ nội dung tác phẩm bằng cách tóm tắt các ý chính. Môn Văn nghị luận, chị cũng phân tích cho con cách làm theo sơ đồ tư duy để con không bỏ sót ý. Sau nửa tiếng học Văn, chị lại ngồi “cày Sử” cùng con. Vì "sự nghiệp" thi cử của con, chị từng bỏ thời gian đi nghe Tiến sĩ Lịch sử nói về phương pháp học Lịch sử dễ hiểu, dễ nhớ. Giờ, với từng bài, chị tự tin phân tích cho con nguyên nhân, nội dung, hậu quả/kết quả của từng sự kiện, chiến dịch...

Không có khả năng dạy con tiếng Anh, chị “cắn răng” thuê 1 sinh viên ngoại ngữ kèm con học với hy vọng con có thể nâng được 0,5 điểm so với hiện tại của con. Ngày nào cũng thế, con trai chị kín lịch khi ban ngày thì đi học chính, học thêm ở trường, tối lại học thêm giáo viên, học gia sư, làm bài tập đến 23 giờ, sáng dậy sớm học Văn, Sử. Là người mẹ, chị cũng bận rộn không kém, lọ mọ lên mạng tìm đề nọ đề kia về bắt con luyện, sáng sớm học cùng con, ngoài việc cơm nước, chị còn cầu kỳ làm thêm các món phụ để bồi dưỡng cho con.

Chị Hoài cho biết, không khí trong nhà chị những ngày này vô cùng căng thẳng. Con bé không được đùa nghịch, nói to, gây tiếng ồn, người lớn không được xem ti vi mà phải “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”. Tất cả cũng chỉ vì kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội quá áp lực, vì con liều mình đăng ký nguyện vọng “cửa trên”. Căng mình học cùng con, chị cũng hồi hộp đến nghẹt thở, chỉ mong sao sự nỗ lực của cả nhà sẽ giúp con có cơ hội nhận tấm vé vào học trường THPT công lập.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn