Con nuôi thực tế, không đăng ký có được hưởng thừa kế?

19:11 | 08/08/2021;
Gần đây, diện tích đất của bố mẹ tôi được nhà nước thu hồi cho quy hoạch phát triển nông thôn mới và được đền bù một khoản tiền khá lớn. Trong anh em, mỗi người một ý, người thì nói là chia đều trong số anh chị em, không phân biệt con nuôi con đẻ...

Hỏi: Năm 1979, bố mẹ tôi có nhận nuôi 1 người con trai cũng là người trong làng vì hồi đó gia đình họ đông con và rất khó khăn. Người con nuôi sống với gia đình tôi từ nhỏ và khi lớn lên thì vẫn qua lại giữa hai gia đình, cả cha mẹ nuôi lẫn cha mẹ đẻ. Gia đình tôi có việc gì, anh ấy vẫn tham gia và chúng tôi vẫn mặc nhiên coi anh ấy là anh em của mình mặc dù không có giấy tờ về việc cho nhận, con nuôi. Mấy năm trước, bố tôi và mẹ tôi lần lượt qua đời. Khi mất, bố mẹ tôi không để lại di chúc. Gần đây, diện tích đất của bố mẹ tôi được nhà nước thu hồi cho quy hoạch phát triển nông thôn mới và được đền bù một khoản tiền khá lớn. Trong anh em, mỗi người một ý, người thì nói là chia đều trong số anh chị em, không phân biệt con nuôi con đẻ, người thì nói rằng cứ chia theo qui định của pháp luật vì bố mẹ không để lại di chúc. Vậy nếu theo pháp luật thì con nuôi có được chia thừa kế không?

                                                            Nguyễn Thị Tú Thanh, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Trả lời: Luật Nuôi con nuôi được Quốc hội thông qua năm 2021 quy định nguyên tắc, điều kiện nuôi con nuôi; thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ của cha mẹ nuôi, con nuôi và cha mẹ đẻ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc nuôi con nuôi.

Tại điều 3, Luật Nuôi con nuôi xác định: Cha mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký. Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.

Như vậy, theo qui định thì việc nuôi con nuôi phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, luật này mới được ban hành năm 2010 trong khi quan hệ nuôi con nuôi đã phát sinh trước đó rất lâu. Để xử lý vấn đề này, Điều 50 Luật Nuôi con nuôi qui định điều khoản chuyển tiếp như sau:

Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;

+ Đến thời điểm Luật này có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống;

+ Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.

Nghị định số 19/2011 hướng dẫn thực hiện nội dung trên của Luật nuôi con nuôi quy định: Việc nuôi con nuôi đã phát sinh trên thực tế giữa công dân Việt Nam với nhau mà chưa đăng ký trước ngày 01 tháng 01 năm 2011, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Luật Nuôi con nuôi, thì được đăng ký kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015 tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của cha mẹ nuôi và con nuôi.

Như vậy, để thực hiện chia di sản thừa kế theo luật thì trước hết phải xác định xem giữa người con nuôi của bố mẹ bạn với bố mẹ con có được pháp luật công nhận là quan hệ nuôi dưỡng hay không. Nếu có đăng ký quan hệ nuôi dưỡng thì khi đó người con nuôi của bố mẹ bạn đương nhiên có quyền hưởng thừa kế khi chia theo pháp luật. Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, những người thừa kế hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Như vậy, nếu quan hệ nuôi dưỡng được đăng ký tại chính quyền thì người con nuôi cũng được hưởng 1 phần như các con đẻ.

Trong trường hợp trong thời gian từ 1/1/2011 đến hết 31/12/2015 mà bố mẹ bạn với người con nuôi không có đăng ký tại UBND cấp xã về việc cho, nhận con nuôi thì người con nuôi của bố mẹ con không được chia tài sản thừa kế theo pháp luật.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn