Tròn 13 ngày - đêm chị Võ Thị Mỹ, 29 tuổi, quê Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) đưa con lên nhập viện tại TPHCM, đấy cũng là khoảng thời gian chị cạn nước mắt ngóng chờ một phép màu nào đó sẽ đến với bé Nguyễn Thanh Thiện (8 tuổi). Trước đó, người mẹ trẻ đã đưa con đi khắp nơi chữa trị, bởi chứng bệnh “sốt hoài không dứt”, từ các phòng khám cho tới bệnh viện huyện, tỉnh. Tới khi con trai chị hôn mê mới được đưa đi cấp cứu tại TPHCM với kết luận: Viêm não. Trải qua 9 ngày liên tiếp con trong tình trạng hôn mê và phải nằm cách li trong phòng chăm sóc đặc biệt, chị Mỹ thức trắng, hy vọng, đợi chờ được vào thăm con khiến chị gần như kiệt sức.
Chị Võ Thị Mỹ bên con những ngày bé sốt nặng do viêm não (Ảnh chụp 7/8/2014)
Chị Mỹ kể: “Mọi lần thấy con nóng, sốt thì chỉ cần đưa bé đi khám, uống thuốc là bớt. Nhưng lần này, uống hoài bé vẫn sốt và ói. Tôi đưa con lên bệnh viện tuyến huyện, họ nói bé bị viêm họng cấp, cho thuốc về uống. Bé không ói nhưng còn sốt, tôi tiếp tục đưa bé đi chích nhưng tình trạng bệnh vẫn không tiến triển. Khi đưa bé đi khám lại tại bệnh viện, bác sĩ cho đi xét nghiệm máu rồi kết luận bé bị sốt xuất huyết. Nằm điều trị được 2 ngày, bé cứ sốt 40 độ rồi rơi vào hôn mê, gồng mình, tiểu ra quần… Tôi khóc xin chuyển viện cho con lên Bà Rịa. Sau khi làm các xét nghiệm, họ nói bé bị viêm não đã chuyển sang giai đoạn nặng, đưa đi TPHCM cấp cứu trong tình trạng bé không còn nhận ra ai nữa”.
Lật cuốn sổ theo dõi con từng ngày, chị Mỹ nghẹn ngào: “Cứ nghĩ đến cảnh con giật mình thức giấc mà không thấy mẹ, tôi không kìm được nước mắt. Vừa thương con, vừa tủi cho phận mình nghèo nên con thiệt thòi. Từ khi bé được chuyển ra đây, tôi không dám rời con nửa bước, vì bác sĩ bảo cần quan sát từng dấu hiệu thay đổi trên cơ thể bé rồi ghi lại để bác sĩ theo dõi. Dù bé vẫn còn hôn mê nhưng so với những hôm đầu nhập viện, tôi thấy con đang dần hồi phục từng ngày”.
Vì nghèo nên mới ra cơ sự này
Chị Mỹ đang mải kể cho chúng tôi nghe về những đêm dài ngồi lặng sau cánh cửa, chờ đến sáng để được vào gặp con, bỗng nhiên bé Thiện giật mình, khóc thét, nói mê sảng vài điều rồi đôi mắt lại khép hờ. Như một phản ứng tự nhiên, chị đưa tay đặt lên trán con, áp sát mặt mình vào đứa con trai đang nằm li bì trước chiếc máy đo nhịp thở, chị thì thầm: “Mẹ đây! Mẹ không bỏ con. Con ráng khỏe, các bạn ở nhà vẫn đang chờ con đi mua tập, sách, chuẩn bị ngày khai giảng. Mẹ thương con!”.
Dù đã được nghe nói rất nhiều về bệnh viêm não trên các phương tiện truyền thông nhưng chưa bao giờ chị Mỹ lại nhận thức được mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này như hiện tại. Chị hỏi các bác sĩ và tự tìm hiểu thêm về căn bệnh mà con mình đang mắc phải, rồi chị chua chát nhận ra, vì nghèo khó nên con trai chị chưa từng được tiêm vaccine viêm não.
Chị kể: “Lúc trước, tôi có đưa Thiện đi chích vaccine phòng lao, sởi nhưng do gia cảnh khó khăn, hai vợ chồng đều không để ý nên đã quên chích vaccine viêm não cho bé. Giờ chỉ mong bé qua khỏi. Những ngày tháng kế tiếp, cực mấy tôi cũng chịu được”.
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam (Phó trưởng khoa Cấp cứu Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM) Viêm não là một tình trạng viêm của nhu mô não, biểu hiện bằng sự rối loạn chức năng thần kinh-tâm thần khu trú hoặc lan tỏa, với rất nhiều tác nhân: nhiễm trùng (bao gồm siêu vi, vi trùng); ngộ độc, tự miễn, bệnh chuyển hóa… Nguyên nhân viêm não do nhiễm trùng hay gặp nhất là do siêu vi. Thường gặp là nhóm Arbovirus (siêu vi lây truyền qua muỗi và các động vật chân đốt). Bệnh có thể xuất hiện theo mùa, thậm chí thành dịch hoặc rải rác trong năm. Viêm não Nhật Bản là 1 trong số những viêm não do siêu vi Arbovirus nhiều nhất tại Việt Nam. Bệnh xảy ra chủ yếu vào mùa hè ở miền Bắc và rải rác quanh năm tại miền Nam. Biểu hiện của bệnh thường là sốt cao, sau đó co giật, lơ mơ, rối loạn tri giác, đôi khi có thể rối loạn hành vi, cảm xúc, yếu liệt, nếu diễn biến nặng có thể hôn mê và dẫn đến tử vong. Tất cả các trường hợp có biểu hiện của viêm não cần phải được nhập viện để chẩn đoán và điều trị tích cực. Những trường hợp nặng có rối loạn hô hấp, tuần hoàn, bệnh nhân cần điều trị tích cực như thông khí nhân tạo, chống sốc... Di chứng thần kinh của bệnh chiếm 30% tổng số bệnh mắc, đặc biệt cao hơn ở trẻ em. Mức độ di chứng phụ thuộc vào tuổi của trẻ, khả năng phát hiện và điều trị sớm hay muộn. Biện pháp tốt nhất là phụ huynh nên chủ động phòng ngừa bằng cách vệ sinh cá nhân sạch sẽ, diệt muỗi, vệ sinh môi trường, đặc biệt là nên đưa trẻ đi chích ngừa vaccine phòng viêm não theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
|