Con phải làm 3 bài thi vào lớp 10, phụ huynh Hà Nội 'khóc ròng'

15:16 | 10/04/2018;
Không chỉ thi toán và văn, từ năm 2019, học sinh lớp 9 thi lên lớp 10 sẽ làm thêm 1 bài thi tổ hợp. Thông tin do Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố đang khiến phụ huynh 'khóc ròng' khi kỳ thi này ở Thủ đô vốn dĩ đã quá căng thẳng, thậm chí căng hơn cả thi vào đại học.

'Con tôi sẽ luyện thi vào lúc nào?'

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, từ năm học 2019-2020, thí sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ phải thi 3 bài thi gồm 2 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn và lựa chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục công dân) hoặc Tổ hợp 2 (Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học).

2 bài thi Toán, Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận. Riêng bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; có nhiều mã đề thi trong một phòng thi. Thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN) và kết quả bài thi trên phiếu TLTN được chấm bằng phần mềm máy tính.

Điều đáng nói là thí sinh không được quyền lựa chọn tổ hợp thi, mà việc lựa chọn tổ hợp thi sẽ do Sở trực tiếp quyết định và công bố vào cuối tháng 3 hàng năm.

ph.jpg
Phụ huynh chờ trong lúc con đi thi vào lớp 10 (năm 2017) tại một trường thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh minh họa: D.H

Sự thay đổi này nhận được nhiều quan tâm từ phía phụ huynh và phần lớn ý kiến tỏ ra lo lắng, hoang mang hơn khi kỳ thi này vốn đã khiến cả mẹ lẫn con cảm thấy áp lực từ những năm lớp 7, lớp 8. Kiếm 1 suất vào trường THPT công lập ở Hà Nội không hề dễ dàng, cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt trong bối cảnh lượng thí sinh dự thi ngày càng tăng mà chỉ tiêu hàng năm hầu như không biến động.

Có con trai học ở THCS Khương Thượng (Q.Đống Đa, Hà Nội), chị Bùi Thu An chia sẻ: Vừa mới hôm qua con về thông báo, chị lập tức cảm thấy rất lo lắng. Bình thường con trai chị vừa cố học đều các môn để lấy kết quả giỏi cuối năm (cộng điểm vào điểm thi), vừa phải chạy khắp nơi để luyện hai môn Toán, Văn.

Một tuần, con chị có 2 buổi luyện đề Văn và 3 buổi luyện đề Toán, rải rác chiều và tối. Nhiều hôm 10 giờ đêm con mới về nhà trong tình trạng mệt mỏi. Khi ấy mới vào bếp lục cơm nguội để ăn tối. Nhìn cảnh ấy, chị cảm thấy nặng nề vô cùng khi nghĩ đến việc số lượng môn thi của con tăng thêm, chưa nói là đến cuối tháng 3 mới có quyết định về việc con sẽ phải thi môn nào. Nghĩa là các con chỉ có hơn 2 tháng để lao vào luyện thi điên cuồng, may ra mới có một "vé" vào trường công lập.

“Tôi không rõ khi các môn thi tăng lên thêm ba môn trong một tổ hợp, con tôi sẽ lấy đâu thời gian để đi luyện tổng cộng tất cả 5 môn, khi mà hiện tại cháu đã quá tải rồi. Tăng thêm môn thi chẳng phải là quá áp lực cho học sinh hay sao? Đã tăng số môn thi thì việc ôn luyện phải giảm bớt kiến thức đi, may ra mới ôn luyện nổi, còn với cái kiểu học càng ngày càng nặng như thế này, quả thật ngành giáo dục đang khiến mẹ con chúng tôi mệt mỏi căng thẳng vô cùng!”, chị An bày tỏ.

Tăng môn thi, cần giảm kiến thức

Với chương trình học hiện hành, nhiều phụ huynh lo lắng việc tăng thêm bài thi tổ hợp sẽ khiến con mình năm tới sẽ bị quá tải. Anh Bùi Hoàng Tùng (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) phản biện, Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng thi như vậy để tránh việc học lệch, thế nhưng hiện tại các con vẫn cần học đều để có kết quả cuối kỳ tốt nhất có thể. Đơn giản bởi điểm học bạ cũng được tính vào điểm thành phần của điểm thi vào lớp 10.

“Điều đáng nói ở đây là liệu chương trình học có giảm tải hay không? Tránh học lệch, bắt học sinh phải học đều để thi nhưng môn nào cũng rất nặng, tôi nghĩ chính Sở đang gây thêm áp lực cho các con. Theo tôi, nếu thay đổi cơ cấu thi, nhất thiết phải điều chỉnh toàn bộ chương trình học theo hướng giảm nhẹ kiến thức, tăng kỹ năng, kiến thức mở lên thì mới phù hợp. Sở nên điều chỉnh điều này trước khi thay đổi cách thi thì mới hợp lý, chứ cứ bắt phụ huynh học sinh chạy theo hụt hơi thế này, nói thật là rất oải, không biết còn thay đổi những cái gì nữa!”, anh Tùng bức xúc.

upload_00015683.jpg
Ảnh minh họa

 

Vị phụ huynh này còn chia sẻ thêm, con anh năm nay lớp 8 nhưng đã lo lắng ôn luyện khắp nơi từ đầu năm học, bởi con muốn “đầu quân” vào trường THPT Nhân Chính - một trong những trường top đầu của Hà Nội. Cháu học ngày học đêm, đến thời gian nói chuyện với bố còn không có.

“Nhiều lúc đi làm về, tôi muốn rủ con đi đá bóng hoặc chạy thể dục, nhưng hầu như cậu chàng luôn trong tình trạng vắng nhà đi luyện đề, không đến trung tâm thì học nhóm với bạn. Họa hoằn lắm con ở nhà thì chỉ muốn lăn ra ngủ vì mệt. Đến chơi thể thao còn không bố trí nổi thời gian thì con tôi lấy đâu ra quỹ thời gian cho việc tích lũy kỹ năng, trải nghiệm sống?”, anh Hoàng Tùng tâm sự.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn