Bố cũng chẳng bao giờ dành thời gian chơi với con mà lúc nào cũng tự đặt ra khoảng cách. Con rủ bố chơi cá ngựa, bố bảo “Bố không chơi trò trẻ con, ra rủ bạn hàng xóm chơi đi!”. Con muốn bố cùng nghe một bản nhạc vui nhộn, giai điệu vừa bật lên bố đã cau mày nói: Nhạc nhố nhăng và bắt con tắt. Bố còn bảo từ nay bố cấm con nghe loại đó, rồi bố phân tích, nhạc thì phải lời ca thế này, giai điệu thế kia… Bố chẳng cần biết con muốn gì, mà chỉ buộc con phải làm theo những gì bố cho là hay, là đúng.
Con muốn gần cha, nhưng lại sợ cha. (Ảnh minh họa)
Bố đi làm có nhiều áp lực, con biết, nhưng, đó cũng đâu phải là lỗi của con. Vậy mà con sẽ phải vui cười hay buồn khổ theo cảm xúc đó của bố. Khi công việc thuận lợi, bố vui vẻ thì con được cười. Còn nếu bố về nhà với gương mặt xầm xì là con biết hôm đó phải trốn kỹ trong phòng. Bởi, con mà xuất hiện trước mặt, thế nào bố cũng tìm ra lý do để quát mắng con.
Con yêu bố rất nhiều, nhưng con cũng rất sợ bố. Con chỉ ước một ngày bố sẽ hiểu con. Bố sẽ chơi cùng con, dạy con điều hay lẽ phải mà không cần phải dùng cách la hét, cáu kỉnh. Khi con có lỗi, hay là quên chưa kịp cất quần áo, chưa rửa bát ngay… thì bố có thể nói không sao đâu rồi nhắc con làm bằng một cách nào đó hài hước.
Làm được những điều đó, có khó lắm không bố?