Vào ngày 2 tháng 2 âm lịch năm 1988, Khương Diên Phương, một người dân ở thôn Khương Dao ở Hàm Đan thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đã dậy rất sớm và bắt đầu dọn sân. Sau đó, anh ta đến đồi Ngọa Long để xúc cát đem về sửa nhà. Thế nhưng, khi người nông dân đang làm việc thì bất ngờ đào trúng một vật thể lạ. Nó giống như những cột đá được đặt nằm, Khương Diên Phương định thử xem nó là thứ gì ai ngờ càng đào càng thấy vật này dài như không có điểm cuối.
Thấy lạ, anh ta chạy về thôn gọi hàng xóm tới. Anh ta luôn miệng khẳng định thứ mình thấy giống như xương sống của một loài vật khổng lồ. Một vài người chợt nhớ ra hôm nay đúng là ngày Rồng thức giấc, phải chăng Khương Diên Phương đã tìm thấy một con rồng?
Cả thôn vội theo Khương Diên Phương tới tận nơi. Họ phát hiện ra cột đá này không chỉ to và dài mà còn có vết nứt bên trên chia nó thành từng khúc đều nhau, tạo cảm giác như là xương sống của một sinh vật to lớn. Lúc này có người gợi ý tiếp tục đào xem thứ này kéo dài tới đâu. Đúng như dự đoán, với sự tham gia tích cực của cả thôn, chẳng mấy chốc họ đã đào được thêm 40m nhưng cột đá này vẫn chưa tới điểm cuối. Cuối cùng sau nhiều ngày làm việc cật lực, họ đã phát lộ được một con rồng đá dài tới 369 m.
Không những vậy, thôn dân còn đào được thêm 9 con rồng đá nhỏ hơn. Dù nhỏ hơn nhưng chiều dài của chúng cũng từ hai đến ba trăm mét. Điều kỳ lạ là mặt cắt ngang của những cột đá có rất nhiều vòng tròn với đường nét rõ ràng. Thoạt nhìn, chúng rất giống những vòng sinh trưởng của một cái cây lớn. Màu sắc bên ngoài của cột đá nhạt hơn, càng vào bên trong thì màu càng sẫm. Loại đá này chưa ai từng nhìn thấy. Thậm chí, cả những người từng làm thợ đá cũng cho biết, rất khó tìm thấy loại đá nào có thể chạm khắc thành một con rồng đá có kích thước lớn như vậy trong bán kính hàng chục km quanh thôn.
Vậy những con rồng đá này hình thành thế nào?
Hóa thạch khủng long
Có người suy đoán rằng, đây là hoá thạch của một loài khủng long. Người khác lại cho rằng nó chỉ đơn giản là một loại đá tự nhiên. Tuy nhiên, hầu hết thôn dân đều cho rằng cột đá này là một con rồng thật. Trưởng thôn đã báo cáo với chính quyền địa phương về sự việc này.
Sau khi biết tin, chính quyền địa phương lập tức phong tỏa hiện trường và mời một nhóm chuyên gia tới làm việc. Đánh giá từ kết quả kiểm tra, những con rồng đá này có niên đại từ cách đây ít nhất 30.000 năm. Họ không tìm thấy dữ liệu sinh học nào trên con rồng đá. Điều này chứng tỏ nó không phải là hóa thạch của loài thú nào.
Con rồng lớn nhất nằm ở giữa, bên trái có 5 con rồng và bên phải có 4 con rồng nhỏ. Thôn dân cho biết, cách sắp xếp này được gọi là thập long quy tụ.
Do bàn tay con người
Các nhà khảo cổ đã đưa ra giả thuyết đầu tiên rằng những con rồng này là sản phẩm nhân tạo của người xưa. Đánh giá từ các đường chia khúc rất rõ ràng, điểm này rất giống do con người tạo ra. Thậm chí, ở mỗi đoạn xương sống của rồng đá, các chuyên gia còn tìm thấy một số sợi nối nhạt màu còn sót lại. Họ cho rằng đây có thể là một loại keo nối đặc biệt từ thời xưa để tạo ra phần tủy của rồng đá.
Giả thuyết này khớp với việc tên của các địa danh quanh thôn được đặt đều có liên quan đến rồng, ví dụ như đồi Ngọa Long. Rất có thể, những thợ đá xưa đã tạo nên tác phẩm rồng đá này dựa trên truyền thuyết được lưu truyền trong thôn. Đó là những con rồng này quy tụ ở đây để bảo vệ lăng mộ của 3 thế hệ vua Triệu được sắp đặt cách đó không xa.
Và theo mô tả của những người dân địa phương, những con rồng này dường như có dấu vết chạm khắc rất cẩn thận, phần xương rồng có những đoạn lên xuống, thậm chí còn có chỗ rất giống móng của nó.
Tuy nhiên, những người dân trong thôn cho biết, khi họ tìm thấy con rồng, miệng của nó còn đang phun nước ra ngoài. Các nhà khoa học đã nghĩ tới giả thuyết có lẽ đây là công trình trữ nước của người xưa thiết kế.
Sản phẩm của thiên nhiên
Hầu hết ý kiến của các chuyên gia đều nghiêng về giả thuyết những con rồng đá này là kiệt tác của thiên nhiên. Sau khi kiểm tra cấu trúc địa tầng của con rồng đá, các nhà khoa học phát hiện ra rằng bề mặt của nó có dấu vết của các đại dương cổ đại. Từ cấu trúc đứt gãy có thể thấy các lớp đá của con rồng tạo nên do sóng bào mòn. Nói cách khác, xét theo cấu trúc đá thì nơi này trước đây từng là một đại dương bao la. Sau đó, nước biển rút đi, cát biển thời cổ đại bị mất nước và đông cứng lại theo thời gian và từ đó hình thành nên con rồng đá này.
Thế nhưng, có ý kiến cho rằng, Hàm Đan trước đây không có biển trong hơn 2 triệu năm. Những con rồng đá này được hình thành do quá trình đá vôi của những con sông cổ đại kết dính lại.
Về phần khác của con rồng, những chi tiết này không phải do người xưa chạm khắc mà chúng hình thành từ một nhánh của dòng sông cổ. Những đoạn uốn lượn của con rồng cũng tương ứng với những khúc sông thời xưa. Dưới đáy sông có rất nhiều cát tích tụ, sau đó thời tiết thay đổi, những con sông dần cạn kiệt. Cát bên dưới đã hút nước đang tơi bắt đầu co lại và bị phong hóa và tiến hóa nên đã biến thành một loại vật liệu cứng như đá. Sở dĩ có nhiều con rồng nhỏ nằm cạnh rồng khổng lồ là do dòng sông cổ đại đã thay đổi nhánh khác nhau vào các thời kỳ và mưa lũ.
Ngoài ra, bên cạnh những con rồng, người dân còn tìm thấy nhiều hòn đá hình dáng giống như những quả trứng rồng. Sau đó, từ những cột đá được tìm thấy, người xưa đã trang trí thêm phần đầu và tạo hình phần móng thêm sắc nét cho những con rồng. Các nhà khảo cổ cho rằng giả thuyết này có vẻ hợp lý bởi những con rồng này không có đuôi khi chúng được tìm thấy.
Nhưng, cũng nhờ những con rồng đá khổng lồ này, nguồn thu từ du lịch của thôn Khương Dao đã tăng trưởng mạnh hơn. Bởi câu chuyện về những con rồng này đã thu hút rất nhiều du khách từ khắp nơi đổ về đây để chiêm ngưỡng "kiệt tác của thiên nhiên" này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn