Không một đứa trẻ nào thích nghe những lời quát mắng từ bố mẹ. Mỗi lần như vậy, trẻ sẽ thu mình, sợ hãi và rụt rè, dần dần hình thành tâm lý tiêu cực và không muốn chia sẻ với những người gần gũi, thân yêu nhất. Thế nhưng, rất nhiều phụ huynh vẫn tin rằng giáo dục con bằng đòn roi, la mắng sẽ hiệu quả, vì sao lại như vậy?
Bất lực trong việc dạy con
Đây là lý do điển hình mà các ông bố, bà mẹ hay dùng sự khiển trách để dạy dỗ con. Bất kể trẻ làm gì, dù chỉ sai một chút cũng bị nói nặng lời. Những phụ huynh này cho rằng có thể dùng cái uy của bản thân để đe dọa con, khi mắng chửi con bằng những từ như ''hư hỏng'', ''hư đốn'', ''ngu ngốc''... thì trẻ sẽ tự cảm thấy xấu hổ.
Đó cũng là hậu quả của một quá trình giáo dục không có khoa học, không thấu hiểu tâm lý, không gần gũi và tâm sự với con, quá nuông chiều, quá buông lỏng, đến khi con hư rồi lại nóng giận với những trạng thái tiêu cực. Nhiều cha mẹ khi con còn nhỏ thì cưng chiều hết mực. Đến khi con hư thì họ trừng phạt bằng đòn roi. Nhưng con vẫn tiếp tục tái phạm. Nhiều lần như vậy, họ không còn cách nào khác là thóa mạ con bằng những lời cay độc.
Từng là ''nạn nhân'' của bạo lực gia đình
Nhiều người đã phải chịu cảnh này trong một thời gian dài gây ảnh hưởng đến tâm lý, cho rằng việc chửi mắng như thế là hết sức bình thường. Thế nên họ đem con cái ra chì chiết, nhưng không biết rằng điều này lại ảnh hưởng tiêu cực, hình thành một phiên bản khác cũng giống như mình trước kia. Tuy nhiên, họ quên đi một điều, trước đây, khi bị mắng chửi như vậy, họ từng vô cùng căm giận bố mẹ. Vậy thì giờ đây, khi mắng con, hãy nhớ rằng chúng cũng rất giận họ.
Tuy nhiên, bố mẹ nên nhận ra rằng càng mắng chửi thì càng nhận về thái độ thiếu hợp tác của con. Mẹ càng quát mắng con càng khóc to, phản kháng, hình thành sự ức chế cho mẹ. Dần dần, những stress này tích tụ lại thành sự căng thẳng, mệt mỏi, chán chường, thậm chí là trầm cảm. Vậy nên thay vì dùng cảm xúc khống chế, hãy dùng tình yêu thương của mẹ để dạy con.
Hiểu được nguy hiểm của việc la hét với con
La hét hay quát mắng không bao giờ là phương pháp giáo dục đúng đắn. Trẻ nhỏ trải qua rất nhiều giai đoạn, qua mỗi thời kỳ chúng lại hình thành những tư duy, tính cách khác biệt. Có thể bé chưa đúng nhưng điều cần thiết là phương pháp giáo dục của bố mẹ để con nhận ra đúng sai và thay đổi.
Việc thể hiện sự mất bình tĩnh trước mặt con chỉ khiến chúng có ấn tượng xấu, làm tổn thương tinh thần bé sâu sắc. Bố mẹ nên nhớ con cái chính là tấm gương phản chiếu của bản thân mình, mỗi hành động của con đều học theo từ bố mẹ. Nếu không kiểm soát được hành vi, chính bố mẹ sẽ là người reo rắc những thói quen xấu vào con.
Bố mẹ thiếu bình tĩnh sẽ sinh ra những đứa con nóng nảy. Bé có thể dùng cách đó để ứng xử với những người xung quanh như thầy cô, bạn bè, anh chị em trong gia đình và cả chính bố mẹ mình. Thế nên trước khi nói, hành động bất cứ điều gì hãy ghi nhớ sau này con có thể bắt chước và làm theo y hệt như thế.
Nhận ra sự vô ích của việc la hét với con
Quát mắng, cáu giận, đánh đập... hay bất kỳ hình thức nào khác chỉ là để thỏa mãn cảm xúc của bố mẹ, có thể ngay lúc đó giúp người lớn hạ hỏa, cảm thấy bản thân được giải tỏa, nhưng chưa bao giờ là phương pháp dạy con đúng đắn. Hãy luôn ghi nhớ trong đầu rằng chuyện mình quát con chẳng giải quyết được vấn đề gì cả, thậm chí còn làm tình hình tệ đi.
Khi cảm xúc bị bộc lộ một cách thái quá sẽ khiến mọi việc đi theo trạng thái tiêu cực. Đặc biệt là với đứa con mình yêu thương nhất, liệu có đáng để bố mẹ hành xử như vậy không. Những lời quát mắng lúc này khiến bé cảm thấy mẹ đang sử dụng uy quyền của mình một cách không thỏa đáng.
Hãy cư xử như một người trưởng thành
Dẫu biết rằng trẻ có rất nhiều giai đoạn, có những hành vi khó mà chấp nhận được, tuy nhiên dưới con mắt của chúng thì đó lại là chuyện bình thường. Vì con chưa thể hiểu hết đúng/ sai, phải/ trái nên mới cần bố mẹ chỉ bảo. Khi xảy ra căng thẳng giữa bố mẹ và con cái, con la hét nhưng mẹ cũng muốn hét cùng với con, thậm chí còn lớn tiếng hơn con.
Nhiều bé sẽ chọn cách im lặng và khóc, thế nhưng trong lòng con không hề phục. Thay vào đó, hãy đợi con nín khóc, ở bên con chờ đến khi bé bình tĩnh lại và giải thích chi tiết vì sao việc đó lại không nên làm. Hãy cho con thời gian suy nghĩ và cùng nhau ngồi nói chuyện thật nhẹ nhàng. Bởi trong một số trường hợp, mẹ càng cố làm mọi chuyện căng thẳng chỉ khiến con chống đối mãnh liệt hơn.
Đừng nói quá nhiều khi đang nóng giận
Khi đang bực tức, khó chịu thì đương nhiên sẽ nói ra những lời khó nghe. Những lời ấy như một cách giải tỏa cho chính bản thân mình nhưng vô tình lại làm tổn thương con cái. Thế nên im lặng chính là một trong những cách kiểm soát cảm xúc, giúp bố mẹ bình tĩnh. Việc cố giải thích trong lúc cả 2 đang nóng giận sẽ khó kìm chế, dẫn đến việc phải la hét.
Trường hợp mẹ đang nóng giận, hãy im lặng, tốt nhất là không nên nói gì cho đến khi cả 2 cùng bình tĩnh lại. Hãy nói với con rằng chúng ta sẽ thảo luận vào lúc khác khi cơn giận dữ đã qua đi. Tránh chì chiết hay mỉa mai hoặc dùng những từ ngữ làm tổn thương con cái.
Rời khỏi con một thời gian nhất định
Khi cảm thấy bản thân không đủ bình tĩnh, hãy tránh đi một thời gian, hay nói cách khác là để khoảng không gian yên tĩnh cho mẹ. Trong lúc đó hãy suy nghĩ tại sao con làm thế, mình nên làm thế nào để con nghe lời, con hành động như thế là do con hư hay do mình dạy sai, hay do con bắt chước ai đó... hãy bình tĩnh suy xét lại thấu đáo mọi chuyện.
Nếu tiếp tục đối diện với con, mẹ sẽ càng cảm thấy con quá ương bướng, ngỗ ngược và không kìm chế được cảm xúc. Lúc này nếu có ai khác ở nhà, hãy nhờ họ trông con giúp và mẹ có thể đi ra ngoài hít thở, đi dạo, mua sắm, làm một chuyện gì khác... Nhưng nhớ không được để trẻ ở nhà một mình vì như vậy rất nguy hiểm.
Dạy con là một hành trình dài, nhiều khó khăn và thách thức. Thế nên quá trình này cần sự kiên nhẫn, lắng nghe của mẹ. Mẹ kìm chế được bản thân, kiểm soát được cơn nóng giận cũng là một cách làm gương cho con cái, bởi hành động và lời nói của trẻ sẽ được học theo từ chính bố mẹ mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn