Trường Giang là con sông dài nhất Trung Quốc, được ví là sông Mẹ với chiều dài 6.300km. Thế nhưng bạn đã từng thắc mắc con sông ngắn nhất ở Trung Quốc có hình dạng như thế nào và chiều dài bao nhiêu không?
Con sông ngắn nhất Trung Quốc chính là Nhiệt Hà (sông Nhiệt, tạm dịch: dòng sông nóng hổi) ở thắng cảnh Tị Thử Sơn Trang - một tổ hợp của cung điện và vườn Hoàng gia nằm ở huyện Thừa Đức (Hà Bắc, Trung Quốc).
Nhiệt Hà là một nhánh sông nằm ở phía đông bắc của quận Cao Sơn Hồ trong khu thắng cảnh nghỉ mát Tị Thử Sơn Trang, với tổng chiều dài chỉ 90m. Nó bắt nguồn trong khu vực Tị Thử Sơn Trang và đổ vào sông lớn Vũ Liệt.
Vào đầu thời nhà Thanh, khu vực xung quanh Nhiệt Hà là nơi chăn thả ngựa của người Mông Cổ và một ngôi làng nhỏ chỉ có mấy chục hộ dân.
Sau khi Hoàng đế Khang Hi nhà Thanh cho xây dựng Hành Cung (sau này đổi tên thành Tị Thử Sơn Trang Thừa Đức, đến thời Hoàng đế Càn Long thì hoàn công, thời gian xây dựng 89 năm), con sông này mới chính thức được gọi là Nhiệt Hà.
Mỗi mùa hè sang, Hoàng đế nhà Thanh đều đến Tị Thử Sơn Trang xử lý công việc triều chính. Nhiệt Hà dần trở thành tên của một khu vực hành chính - tỉnh Nhiệt Hà, là một trong 4 tỉnh lớn vùng Đông Bắc thời Dân Quốc. Vị thế chỉ đứng sau Bắc Kinh - trung tâm chính trị thời bấy giờ.
Con sông ngắn nhất ở Trung Quốc được gọi là Nhiệt Hà vì đặc tính nước độc đáo của nó. Nhiệt độ nước sông cao hơn so với các con sông thông thường.
Hoàng đế Càn Long từng đề thơ: "Sen nở mùa thu chỉ có duy nhất ở Nhiệt Tuyền". Ý câu thơ của Càn Long chính là: Sen ở khu vực gần sông Nhiệt Hà có thể nở rộ trong mùa thu bởi không khí và chất nước ấm áp.
Khu vực bên sông Nhiệt Hà là nơi ngắm cảnh đáng giá trong Tị Thử Sơn Trang, bốn mùa đều đều tươi mát như xuân sang. Ngay cả giữa mùa đông, Tị Thử Sơn Trang không mấy lạnh lẽo, cây cỏ xung quanh sông Nhiệt Hà vẫn tươi tốt. Đó là lý do vì sao nơi đây trở thành địa điểm nghỉ mát tránh nóng của Hoàng tộc thời xưa.
Tại sao nhiệt độ của sông Nhiệt Hà luôn giữ ở mức ổn định như vậy? Theo các nhà địa chất, khoảng 70 triệu năm trước, tại đây đã xảy ra một trận phun trào núi lửa quy mô lớn. Nước sông trên bề mặt len lỏi xuống những khe nứt, sau đó bị gia tăng nhiệt lượng rồi phun trào ngược trở lên, hình thành nên sông Nhiệt Hà.
Nước sông Nhiệt Hà giàu nguyên tố khoáng và muối hòa tan. Hoàng đế Khang Hi đã từng viết rằng: "Đất màu mỡ, suối ngọt dưa giòn". Hoa màu, rau củ được tưới bằng nước này sẽ phát triển tươi tốt, sai quả hơn. Uống nước trực tiếp cũng mang lại nhiều công dụng nhất định.
Có một truyền thuyết khác về nguồn gốc của Nhiệt Hà: Thuở xưa, thành phố Thừa Đức từng là một vùng biển rộng lớn, có Long vương và thủy tộc sinh sống.
Đột nhiên trời hạn hán, mùa màng thất bát. Long nữ của Long cung đã bí mật hô một trận mưa to để cứu giúp dân chúng. Sự việc này khiến Thiên Đế vô cùng tức giận, đã sai Thiên binh và Thiên tướng đến lấp biển và phong ấn Long nữ dưới một tảng đá. Nhưng Long nữ không chịu khuất phục, mà liên tục phun ra bong bóng, sau đó nổi lên mặt đất, tạo thành con suối trong lành, tưới mát vùng đất khô cằn, cứu sống muôn dân. Vì vậy, Nhiệt Hà còn được gọi là "Thiên hạ đệ nhất mỹ tuyền" (con suối đẹp nhất thiên hạ). Hậu nhân đã dựng bia đá bên dòng suối và đề danh "Nhiệt Hà Tuyền" (suối Nhiệt Hà).
Sông Nhiệt Hà tuy không dài, chảy qua không được bao nhiêu thửa đất, nhưng nó vẫn luôn giữ được "nhiệt huyết", sưởi ấm từng tấc đất của hoa lá, cỏ cây trên đường đi qua. Con sông ngắn ngủi mang cái tên đầy năng động và oi bức - Nhiệt Hà, chính là linh hồn của vùng đất Thừa Đức, tạo nên khu thắng cảnh nghỉ mát tránh nóng được đông đảo du khách săn đón.
Ngày nay, với sự phát triển của du lịch, ngày càng nhiều người biết đến con sông ngắn nhất Trung Quốc này.
Những năm gần đây, nhiều du khách nghe theo lời nói hoa mỹ của hướng dẫn viên du lịch về Nhiệt Hà rằng chỉ cần dùng nước sông rửa tay thì may mắn đi theo tận nửa năm. Do đó, vô số du khách đã đổ xô đến Tị Thử Sơn Trang chỉ để rửa tay ở Nhiệt Hà, thậm chí còn có người giặt giũ chiếc mũ, găng tay lấm bẩn sau chuyến đi chơi xa.
Nước sông trong vắt thấy đáy một thời giờ đây đã không thể uống được nữa, suy cho cùng cũng chẳng ai thèm uống nước rửa tay của người khác. Nhiệt Hà đã trở thành "bể rửa tay" công cộng. Điều này chắc chắn ảnh hưởng rất xấu đến công tác bảo vệ môi trường. Hy vọng du khách có thể tỉnh táo, tránh xa tâm lý bầy đàn và thể hiện nét văn minh du lịch, cùng chung tay bảo vệ Nhiệt Hà nghìn năm xinh đẹp.
(Nguồn: 163, Sohu)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn