Con sốt là bố mẹ lo chườm hạ nhiệt, bác sĩ lắc đầu chỉ ra hướng giải quyết đúng đắn

19:41 | 10/04/2023;
Cứ thấy con sốt là nhiều chị em lại tìm cách chườm cho con để nhanh hạ sốt. Chuyên gia nhận định hầu hết hành động này đều sai. Việc chườm ấm, chườm mát cũng đều là xử lý chưa đúng.

Chườm ngay khi con sốt giúp hạ nhiệt?

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) kể, rất nhiều chị em thường hay hỏi bác sĩ về chuyện chườm ấm hay chườm mát để hạ sốt cho con. Câu chuyện tưởng chừng đơn giản hóa ra không ít người hiện đang thực hiện sai cách. 

"Tất cả những biện pháp đó hiện nay đã được các nhà khoa học nghiên cứu đầy đủ. Chườm để hạ sốt chỉ có tác dụng hạ nhiệt nhanh trong 1 giờ đầu. Sau đó lại đâu vào đấy. Như vậy tất cả những kiểu chườm (chườm ấm, chườm mát), gọi chung là hạ sốt bằng tác động vật lý, khi được sử dụng trên trẻ em, không có một tác dụng gì trong điều trị sốt. Trừ trường hợp bị say nắng, say nóng, sốc nhiệt", vị PGS chuyên khoa Nhi nhận định.

Con sốt là đè ra chườm, bác sĩ lắc đầu chỉ ra hướng giải quyết đúng đắn - Ảnh 1.

Hiện nay, chúng ta có 2 loại Ibuprofen và Paracetamol. Chúng đều có tác dụng trên trung tâm điều nhiệt. Bởi vậy, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyên nên sử dụng thuốc hạ sốt và không khuyến khích các biện pháp chườm để hạ sốt cho con.

Chườm không những không có tác dụng về hạ nhiệt cơ thể mà còn làm cho đứa trẻ khó chịu. Nếu vào mùa đông, hoặc trẻ bị bệnh đường hô hấp, chườm làm tăng tiêu thụ oxy. Vì làm tăng tiêu thụ oxy nên trẻ nào đang bị viêm phổi lại càng thêm hại. 

"Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo không dùng bất cứ tác động vật lý nào - như chườm - cho trẻ con bị sốt", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý, trừ trường hợp bệnh nhân chống chỉ định với thuốc hạ nhiệt. Lúc này bắt buộc phải sử dụng các biện pháp vật lý như chườm. 

Chung nhận định với PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, BS Lê Tiến Huy (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Y dược) chia sẻ, nếu dùng thuốc hạ sốt rồi nhiệt độ vẫn cao thì lúc này cần chườm để tránh co giật ở trẻ. 

Vậy câu hỏi đặt ra là: Trong trường hợp này, chườm thế nào mới đúng?

Chườm để hạ sốt, tránh co giật thế nào mới đúng?

Theo BS Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), mục đích của chườm là hạ sốt, nhưng chúng ta hầu như chườm sai. Vì không hiểu nên mọi người rơi vào cực đoan. Người thì chỉ chườm nóng. Người khác lại chỉ chườm lạnh... Tùy vào thời kỳ, bạn nên có cách xử lý đúng khi sốt.

Ở thời kỳ tăng nhiệt độ cơ thể

Cách nhận biết: Nhiệt độ tăng liên tục + các dấu hiệu gai lạnh, ớn lạnh, nổi gai ốc, rét run, tay chân run rẩy, da nhợt nhạt + dùng thuốc hạ sốt hay chườm nhiệt độ vẫn tăng hoặc chỉ giảm được thời gian ngắn rồi tăng trở lại. 

"Thời kỳ này không nên chườm", BS Phúc cho hay.

Nhưng sốt quá cao, đặc biệt là thời gian kéo dài, có thể gây nhiều phản ứng có hại. Dễ thấy nhất là co giật ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, sốt còn có thể đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, tăng tiêu thụ oxy, rối loạn chuyển hóa chất béo, dẫn đến trạng thái ketosis. Sốt cũng có thể gây ra một loạt các triệu chứng như sụt cân, hưng phấn vỏ não, rối loạn chức năng ức chế, giảm tiết dịch tiêu hóa, giảm hoạt động của các men tiêu hóa, rối loạn chức năng tiêu hóa do protein của đường tiêu hóa bị phá hủy. 

Con sốt là đè ra chườm, bác sĩ lắc đầu chỉ ra hướng giải quyết đúng đắn - Ảnh 3.

Để phòng tránh, biện pháp giảm nhiệt tốt nhất vẫn là uống thuốc hạ sốt. Bởi vì thuốc hạ sốt có tác dụng “thỏa hiệp” với trung tâm điều hòa nhiệt. Nhiều mẹ cho con uống hạ sốt thấy giảm không đáng kể, hoặc chỉ giảm nhẹ được 30 phút đến 1 tiếng lại tăng trở lại, sẽ cuống và lo lắng. "Xin các mẹ hãy bình tĩnh, chỉ cần giảm tốc độ tăng thân nhiệt, hoặc giảm nhiệt được một chút, thì cũng đã có tác dụng rất lớn rồi", chuyên gia nhắn nhủ.

"Thực sự cần thiết mới chườm. Nếu chườm thì chú ý không chườm lạnh ở giai đoạn này, vì khăn lạnh sẽ làm tăng co mạch ngoại vi, hệ quả chườm lạnh nhiệt độ càng tăng lên chứ không hạ xuống. Cách chườm đúng lúc này phải là chườm nóng. Dùng khăn ấm lau nhiều lần lên trán, cổ, nách, bẹn, tứ chi nơi có nhiều mạch máu để làm giãn mạch, đổ mồ hôi. Từ đó tản nhiệt ra khỏi cơ thể", chuyên gia khuyên.

Ở thời kỳ ổn định nhiệt độ cơ thể

Khi nhiệt độ cơ thể tăng cao, ví dụ 40 độ chẳng hạn, thì sẽ không tăng nữa trong một thời gian, lúc này quá trình sinh nhiệt và quá trình tản nhiệt cân bằng nhau. Do tản nhiệt nên mạch máu trên da giãn ra, lượng máu đến ngoại vi tăng lên, nhiệt độ da tăng cao nên sờ vào nóng và trông thấy da đỏ, độ ẩm da cũng tăng để bốc hơi.

Con sốt là đè ra chườm, bác sĩ lắc đầu chỉ ra hướng giải quyết đúng đắn - Ảnh 4.

"Thời kỳ này muốn hạ sốt có thể chườm mát. Cách làm đúng là nhúng khăn vào nước lạnh, vắt nhẹ rồi đắp lên trán, cổ, nách, bẹn là những nơi nhiều mạch máu. Khi nào nhiệt độ của khăn bằng nhiệt độ cơ thể, hãy ngâm nó vào nước lạnh và chườm lại, cứ chườm như vậy cho đến khi hạ sốt", chuyên gia nói.

BS Phúc nhấn mạnh, chườm ấm vào thời kỳ này không đúng, bởi theo nguyên tắc vật lý nhiệt sẽ đi từ nơi cao đến nơi thấp. Vì thế, khăn nóng hơn không thể lấy được nhiệt cơ thể mà còn truyền ngược trở lại.

Ở giai đoạn nhiệt độ cơ thể giảm

Con sốt là đè ra chườm, bác sĩ lắc đầu chỉ ra hướng giải quyết đúng đắn - Ảnh 5.

Cách nhận biết giai đoạn này: Cơ thể đổ mồ hôi đầm đìa + các triệu chứng giảm đi nhiều, người nhẹ nhõm, dễ chịu, thấy khỏe mạnh hơn. Nếu là trẻ con thì lại chơi đùa tỉnh táo như bình thường. 

"Trong tình huống này thực ra không cần chườm vì cơ thể đang hồi phục rồi nên nhiệt hạ nhanh. Nếu muốn chườm thì hãy chườm mát. Trẻ em thì phải hỏi xem trẻ khó chịu khi chườm thì đừng chườm. Trong quá trình hạ nhiệt này, một số trẻ em và người lớn có thể muốn tắm, hoàn toàn có thể tắm được và thậm chí mang lại cảm giác rất dễ chịu, cơ thể khoẻ khoắn hơn. Đừng lo lắng khi tắm. Chú ý là tắm nước ấm, giữ nhiệt độ phòng khoảng 24 độ, nên tắm nhanh để tránh hạ thân nhiệt quá nhiều", BS Phúc nói.

Con sốt là đè ra chườm, bác sĩ lắc đầu chỉ ra hướng giải quyết đúng đắn - Ảnh 6.

Tình huống ngược lại, hạ sốt nhưng bệnh thì nặng lên. Ở người lớn, tình huống này dễ phát hiện, nhưng với trẻ em phải rất cẩn thận. BS Phúc đưa ra mấy dấu hiệu nhận biết như sau, đặc biệt cảnh giác với trẻ dưới 6 tháng tuổi.

- Tinh thần kém, bơ phờ, không muốn ăn.

- Li bì.

- Khó thở hoặc thở dốc.

- Da tím tái, vân tím, nhợt nhạt, đổi màu…

- Ít nước tiểu.

Hi vọng qua bài viết, cha mẹ có thể nắm rõ cách xử lý khi trẻ bị sốt, khi nào mới cần chườm cho con, chườm ấm hay chườm mát ra sao... để trẻ nhanh phục hồi sức khỏe nhất! 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn