Phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trao đổi riêng với Luật sư Nguyễn Huy Hoàng về vấn đề này.
Luật sư Nguyễn Huy Hoàng là luật sư Thành viên, Trưởng Chi nhánh tại TPHCM của Công ty Luật Bross và Cộng sự. Ông có trên 20 năm kinh nghiệm trong hoạt động ngân hàng và công tác pháp luật, bao gồm tư vấn pháp lý và giải quyết tranh chấp cho một số doanh nghiệp lớn hoạt động tại Việt Nam trong các lĩnh vực đầu tư, bất động sản, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, vận tải, công nghệ, và thương mại điện tử. Ông cũng là thành viên của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (Vecom).
PV: Xin chào Luật sư, về hiện tượng sàn thương mại điện tử Temu đang "làm mưa làm gió" trên thị trường tiêu dùng người Việt, ông đánh giá như thế nào?
Luật sư Nguyễn Huy Hoàng: Theo chúng tôi, với thực tế Việt Nam là một thị trường đông dân, dân số tương đối trẻ và năng động, có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng và phổ cập thì việc các doanh nghiệp thương mại điện tử (TMĐT) lớn trên thế giới như Temu nhắm tới và tiếp cận thị trường là chuyện hiển nhiên.
Cách tiếp cận thị trường của Temu ở góc độ hàng hóa giá rẻ và chi hoa hồng hấp dẫn cho những người tham gia thật ra không phải là quá mới về chất, song được thực hiện xuyên biên giới với mức độ khá "táo bạo" so với mặt bằng chung, do đó đang gây nên một "cơn sốt". Chúng tôi cho rằng các trường hợp tương tự hoàn toàn có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai.
PV: Là một luật sư theo sát thị trường tài chính - kinh tế tại Việt Nam, luật sư cho rằng việc làm "chậm" lại sự "thần tốc" của các sàn TMĐT tương tự (nếu có) vào thị trường Việt Nam có khả thi hay không?
Luật sư Nguyễn Huy Hoàng: Chúng tôi cho rằng bất kỳ quá trình nào diễn ra quá nhanh chóng, quá "nóng" cũng sẽ tạo ra các hoài nghi và lo lắng trong dư luận. Điều này dẫn đến câu hỏi: Liệu Nhà nước cần hành động như thế nào để đưa sự việc "vào khuôn khổ"?
Việc làm "chậm" lại sự phát triển "thần tốc" của Temu hoàn toàn khả thi. Hiện tại, Temu là một doanh nghiệp TMĐT chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Do đó, các nhà quản lý có thể sử dụng các biện pháp pháp lý và kỹ thuật để hạn chế hoặc thậm chí ngăn chặn hoạt động của họ, căn cứ vào các quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài, thương mại hàng hóa, hải quan, thuế, và dịch vụ TMĐT...
Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp này cần được cân nhắc kỹ lưỡng về lợi ích và tác động lâu dài, không nhất thiết phải theo các cách thức quá cứng rắn. Thay vào đó, một cách tiếp cận linh hoạt, tôn trọng quyền lựa chọn của người tiêu dùng và khuyến khích những nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh nghiêm túc, thiện chí và có tầm nhìn dài hạn có lẽ sẽ là giải pháp tốt hơn, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của TMĐT tại Việt Nam.
Vì vậy, việc Nhà nước và xã hội nhanh chóng chuẩn bị, thích ứng và tận dụng thời cơ để khai thác lợi ích, hạn chế tác hại từ các phương thức kinh doanh mới xuyên biên giới, dựa trên công nghệ, tác động trực tiếp đến số đông người dùng là rất cấp thiết. Việt Nam cần phát triển hành lang pháp lý phù hợp để điều chỉnh hoạt động TMĐT xuyên biên giới, kết hợp tăng cường ý thức người tiêu dùng, và đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm đảm bảo một môi trường TMĐT lành mạnh, bền vững.
Việc Temu tiếp cận thị trường với hàng hóa giá rẻ, tuy không rõ có lâu dài hay không, song cũng đặt ra vấn đề là Nhà nước phải có hàng rào kỹ thuật, đặc biệt chiến lược cơ bản, đồng bộ để bảo vệ sản xuất nội địa. Đây là vấn đề rất quan trọng để bảo vệ nền sản xuất của Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng hàng rào kỹ thuật như thế nào cũng phải tuân thủ "sân chơi" quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia rất nhiều hiệp định đa phương và song phương về đầu tư và thương mại.
Ngoài ra, một vấn đề nữa là cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý để có thể thu thuế từ các giao dịch TMĐT xuyên biên giới này. Đó cũng là cách để bảo vệ và minh bạch hóa thị trường TMĐT.
PV: Cho tới thời điểm này, sàn TMĐT Temu chưa được cấp phép tại Việt Nam nhưng việc thực hiện chỉ là vấn đề thời gian. Các nhà quản trị, ở vị trí vĩ mô và vi mô, họ sẽ ứng phó thế nào, theo sự quan sát của luật sư?
Luật sư Nguyễn Huy Hoàng: Các nhà quản lý, ở góc độ vĩ mô, sẽ phải quan sát thật cẩn thận tiềm năng và rủi ro từ việc cho phép Temu hoạt động một cách chính thức. Việc cấp phép chính thức cho Temu sẽ không đơn giản và có thể cần phải tiến hành song song hoặc sau khi có những sửa đổi cần thiết trong pháp luật, nhằm bảo đảm hài hòa các lợi ích và khuyến khích sự phát triển bền vững của TMĐT.
Ở tầm vi mô, sự có mặt của Temu sẽ tạo thêm áp lực mới "đáng gờm" cho một thị trường TMĐT vốn đã cạnh tranh rất mạnh mẽ. Một số nhà quản trị vi mô trong ngành sẽ phản ứng để bảo vệ chính họ cũng như đặt ra vấn đề công bằng, minh bạch nếu cho phép Temu hoạt động tại Việt Nam. Mặt khác, các doanh nghiệp có thể chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm, và áp dụng các chiến lược khuyến mãi, thu hút người tiêu dùng để "chống lại" áp lực từ Temu. Các doanh nghiệp hỗ trợ cho hoạt động của Temu sẽ có cơ hội phát triển, mở rộng hoạt động
PV: Luật sư đánh giá thế nào về việc một vài nước hiện đang cấm Temu hoạt động. Hiện tại và tương lai về tình trạng này sẽ diễn ra như thế nào?
Chúng tôi cho rằng việc một số nước phải cấm Temu hoạt động cho thấy chính họ đã tự nhận ra các kẽ hở và thiết hụt trong khung pháp lý và hoạt động quản lý nhà nước của họ, cũng như trong khả năng tự bảo vệ của người tiêu dùng và doanh nghiệp trước cách thức kinh doanh như của Temu. Việt Nam cũng sẽ không phải là ngoại lệ. Vấn đề là Việt Nam có nhất thiết phải phản ứng theo cách thức như vậy hay không.
Ở chiều ngược lại, trong tương lai, Temu cũng sẽ phải điều chỉnh cách thức vận hành để thỏa mãn yêu cầu của các nước nếu không muốn đánh mất cơ hội mở rộng thị trường cũng như xây dựng hình ảnh, uy tín của chính Temu.
Ngoài ra, với Việt Nam, bên cạnh hoàn thiện khung pháp lý như đã nêu, chúng tôi cho rằng Việt Nam cần có thêm động thái để khẳng định về chính sách sẵn sàng tiếp đón doanh nghiệp TMĐT nước ngoài làm ăn chân chính, bền vững, lâu dài tại Việt Nam, cần tôn trọng luật pháp sở tại, song Việt Nam không thỏa hiệp các cách thức kinh doanh "chụp giật", ngắn hạn, không tôn trọng quyền lợi người tiêu dùng, gây tổn hại cho kinh tế quốc gia và người dân. Một thông điệp như trên dù là chính thức hay phi chính thức đều có thể tạo tiền đề để Việt Nam có thể tiếp đón các doanh nghiệp TMĐT có chiến lược kinh doanh bền vững, nghiêm túc, đem lại lợi ích cho người dân Việt Nam, đồng thời khiến các doanh nghiệp chưa đủ nghiêm túc phải suy nghĩ lại trước khi nhắm đến thị trường Việt Nam trong tương lai.
Ngoài ra, như tôi đã đề cập ở trên, Nhà nước Việt Nam cũng cần có chiến lược, chính sách để bảo vệ và phát triển nền sản xuất trong nước và hoạt động TMĐT trong nước trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng, tôn trọng người tiêu dùng và pháp luật Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn Luật sư về các chia sẻ này!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn