Theo nghiên cứu, chiều cao của trẻ em phần lớn phụ thuộc vào gen của bố mẹ (chiếm tới 70%). Phần còn lại phụ thuộc vào chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động hàng ngày... Tuy nhiên các bậc cha mẹ không nên xem thường con số 30%, bởi các yếu tố bên ngoài này có ảnh hưởng rất quan trọng đến chiều cao của trẻ. Trong đó, giấc ngủ là yếu tố hàng đầu, vượt qua cả tiêu chí ăn uống hay tập thể dục... Theo các chuyên gia, cho trẻ ngủ muộn quá hoặc đánh thức trẻ dậy sớm quá đều không tốt cho chiều cao của chúng.
Câu chuyện dưới đây sẽ khiến nhiều phụ huynh rút ra được bài học cho chính mình:
Vợ chồng chị X đều là những người có chiều cao. Anh chồng cao 1,76m. Chị vợ cao 1,67m. Với chiều cao thuộc hạng "không tệ" của mình, gia đình nhà chị X tin rằng con trai sẽ thừa hưởng được gen chiều cao của bố mẹ. Ngoài chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, họ còn mua thêm sữa về cho con trai sử dụng mỗi ngày. Tuy nhiên, không hiểu sao đứa trẻ càng lớn càng "đuối", gần 2 năm trời không tăng được thêm cm nào.
Một lần đến tham dự văn nghệ khai giảng lớp 4 của con ở trường, chị X bất ngờ phát hiện con mình lùn hơn tất cả các bạn trong lớp. So với bạn xếp hàng ngay sau, con trai của chị X kém bé đó hơn 7cm.
Nghĩ ngay con mình gặp vấn đề gì đó khiến chiều cao không tăng lên được, chị X đã cho con đi khám. Tại bệnh viện, 2 vợ chồng tá hỏa và vô cùng hối hận khi biết chính mình là nguyên nhân khiến con thấp hơn các bạn đồng trang lứa. Hàng ngày để con kịp giờ học và bố mẹ đến công ty đúng giờ, vợ chồng chị X thường xuyên gọi bé dậy trước 6 giờ sáng. Con trai của chị đã bị thiếu ngủ trong 1 thời gian dài. Điều này ảnh hưởng đến việc tiết hormone tăng trưởng trong cơ thể.
Hormone tăng trưởng chính là yếu tố quyết định chiều cao của con. Tuy nhiên, hormone này được tiết ra bởi tuyến yên không liên tục, chỉ có giờ nhất định. Vì thế nếu không tận dụng được thời điểm "vàng" thì trẻ khó lòng mà cao lên được.
Đối với trẻ, thời gian tốt nhất để ngủ là 9 giờ tối và thức dậy lúc 7 giờ sáng, để không bỏ lỡ giai đoạn cao nhất của sự tiết hormone tăng trưởng. Hormone này thường được tiết ra bắt đầu từ lúc 10h tối và đến 6h sáng, trong đó khoảng 23h đến 1h là đỉnh cao của việc tiết hormone tăng trưởng.
Để nhận được hormone kích thích chiều cao tối đa nhất, trẻ cần ngủ sâu, ngon giấc. Đánh thức con trước 6 giờ sáng không chỉ khiến cho trẻ ngủ không đủ 8 tiếng mà còn làm đứt cơ hội nhận hormone tăng trưởng trong giấc ngủ của trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên cố gắng để con ngủ đủ 8 tiếng/ngày và không làm phiền giấc ngủ của con trước 6 giờ sáng.
- Chạy bằng mũi chân: Các huyệt đạo nằm ở bàn chân con người cần được kích thích để tăng khả năng tiết hormone tăng trưởng ở tuyến yên. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ đi nhón chân 1 vài thời điểm trong ngày để con tăng trưởng chiều cao. Việc đi nhón chân cũng giúp trẻ có được hệ tim mạch tốt, khí huyết lưu thông.
- Tập thể dục sau khi ăn 3 tiếng: Sau 3 giờ mỗi bữa ăn là thời điểm lý tưởng để tập thể dục. Lúc này thức ăn trong dạ dày đã được tiêu hóa. Khi tập thể dục sẽ không cảm thấy khó chịu, đồng thời cũng đẩy nhanh quá trình tiết hormone tăng trưởng.
- Bổ sung vitamin: Vitamin D, canxi và kẽm cùng 1 số loại axit amin khác đều ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ.
- Cân bằng dinh dưỡng: Có ba loại protein, nguyên tố vi lượng và khoáng chất có ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao của trẻ. Cha mẹ nên cho con ăn đầy đủ dinh dưỡng, không thiên về 1 món nào cả. Cá, thịt và các sản phẩm từ đậu nành là nguồn cung cấp protein chính. Các nguyên tố vi lượng có thể được bổ sung thông qua rau bina và gạo nâu, bổ sung khoáng chất có thể ăn súp xương hoặc rong biển...
- Ngăn ngừa bệnh tật: Nếu một đứa trẻ có sức khỏe yếu và thường xuyên bị ốm, thì tự nhiên không dễ để phát triển chiều cao. Vì vậy cha mẹ cũng nên chú ý phòng bệnh khi bổ sung dinh dưỡng cho con và tập thể dục. Ví dụ chích ngừa đầy đủ, đúng lịch, không gian sinh sống sạch sẽ, thoáng mát, vệ sinh cá nhân...
Chuyên gia về giấc ngủ trẻ em Harriet Hiscock của Viện Trẻ em Úc khuyến nghị thời gian ngủ của trẻ em ở mọi lứa tuổi:
- Đối với trẻ sơ sinh, thường ngủ từ 14 đến 17 tiếng/ngày.
- Trẻ nhỏ cần 12-15 tiếng/ngày.
- Trẻ mẫu giáo (3 ~ 5 tuổi) cần 10-13 tiếng/ngày.
- Trẻ em ở độ tuổi đi học (6-13 tuổi) cần ngủ từ 9 đến 11 tiếng/ngày.
- Những người trẻ tuổi cần ngủ 8-10 tiếng/ngày.
Chiều cao của một người phụ thuộc vào lượng hormone tăng trưởng được tiết ra trong khi ngủ. Hai giai đoạn bài tiết hormone tăng trưởng mạnh nhất là 21h - 1h và 5h - 7h. Vì thế đừng để trẻ thức muộn quá, cũng đừng gọi con dậy quá sớm.
Ngoài ra, khi cho con ngủ, hoặc gọi trẻ dậy, cha mẹ nên nhẹ nhàng, để con có tâm trạng vui vẻ, thoái mái nhất. Tâm trạng của trẻ cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ. Khi con buồn bực, ngủ sẽ không ngon. Điều này ảnh hưởng đến việc tiết hormone tăng trưởng. Gọi trẻ dậy bằng cách thô bạo, như thế sẽ chỉ khiến trẻ thức dậy với tâm trạng tồi tệ, càng không có lợi cho quá trình phát triển..
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn