Ngoài việc chọn ngành, chọn trường theo đam mê, sở thích và năng lực cũng như triển vọng việc làm thì học phí cũng là một vấn đề được nhiều thí sinh quan tâm. Nếu không xem xét kĩ có thể tăng thêm gánh nặng tài chính cho gia đình.
Kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay ở Trung Quốc có một thí sinh đến từ Hà Bắc đạt 621 điểm và xếp thứ 7519 toàn tỉnh. Nhìn chung, điểm này đã rất tốt và cuối cùng em đã được nhận vào Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân - một trường nổi tiếng về khoa học và kỹ thuật.
Vốn dĩ đó là điều đáng được chúc mừng nhưng sau khi thí sinh nhận được giấy báo nhập học, cả nhà lại từ vui vẻ chuyển sang lo lắng. Hóa ra thí sinh này đã trúng tuyển vào chuyên ngành Vật lý ứng dụng, là chương trình liên kết nước ngoài nên học phí hàng năm cao tới 68.000 nhân dân tệ (khoảng 220 triệu đồng).
Vì là chuyên ngành tương đối ít người biết đến, lại là liên doanh Trung Quốc - nước ngoài nên số lượng đăng ký không nhiều, cạnh tranh cũng không gay gắt, cuối cùng thí sinh này mới trúng tuyển với số điểm 621. Thí sinh và phụ huynh không phân biệt kỹ nên xảy ra tình trạng như trên.
Con đậu trường top, cha mẹ lâng lâng nhưng nhìn thấy mức học phí hàng năm, quả thật tương lai rất khốn đốn. Nếu cộng thêm các khoản khác, sinh viên bốn năm đại học có thể tiêu tốn 400.000 tệ (khoảng 1,3 tỷ đồng), khó trách cha mẹ cảm thấy rất lo lắng.
Mức học phí của các trường đại học thông thường đều được công khai, tuy nhiên thực tế hiện nay, một bộ phận thí sinh khi đã bước chân vào giảng đường mới phát hiện ra điều kiện tài chính của gia đình không kham nổi ngành học đã chọn.
Nguyên nhân có thể do thí sinh không xem xét kĩ mức học phí, những điều kiện đi kèm... hoặc vì quá yêu thích một ngành học, một ngôi trường nổi tiếng mà "nhắm mắt cho qua" yếu tố quan trọng là học phí.
Nhiều bạn tân sinh viên cho rằng, đi làm thêm sau khi vào học sẽ trang trải đủ học phí. Tuy nhiên, dành quá nhiều thời gian cho việc kiếm tiền cũng đồng nghĩa thời gian dành cho việc học tập và nghiên cứu của bạn sẽ bị chia sẻ và chi phối. Điều này dẫn tới kết quả học tập có thể sẽ tụt dốc. Chưa kể, khi phải làm cùng một lúc nhiều việc bạn sẽ không có đủ thời gian để nghỉ ngơi khiến cho cơ thể dần sẽ trở nên kiệt sức.
Để tránh cảnh "giữa đường đứt gánh", thí sinh, gia đình cần đọc thật kỹ đề án tuyển sinh của các trường đại học, tìm ra ngành học của một trường nào đó thực sự phù hợp với điều kiện tài chính, năng lực học tập của mình.
Nếu khả năng của gia đình có hạn thì nên chọn trường nào có mức học phí thấp hơn dù cho mức độ nổi tiếng không bằng với trường mà mình mong muốn. Bởi cùng một ngành học nhưng mức học phí của các trường lại khác nhau.
Bên cạnh lộ trình tăng học phí, thí sinh cũng cần chú ý thêm cách tính học phí của các trường vì cách tính học phí hiện nay không đồng nhất. Ngoài ra, cũng có những ngành ngoài học phí còn phải mất nhiều chi phí học liệu, chi phí đi thực tế, sử dụng vật tư phòng thí nghiệm… nên tổng chi phí toàn khoá học có thể sẽ rất cao.
Nếu không tính đúng, tính đủ, khi học một thời gian, người học không đủ điều kiện kinh tế để chi trả, dẫn đến việc phải nghỉ học giữa chừng sẽ rất đáng tiếc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn