Khác với thế hệ trước, con trẻ ngày nay có những áp lực riêng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, con trẻ dễ gặp khủng hoảng tâm lý hơn người lớn bởi các em chưa đủ tư duy để suy nghĩ chín chắn, chưa có kỹ năng để điều khiển và kiểm soát những cảm giác tiêu cực...
Nếu không được phát hiện kịp thời và chăm sóc đúng cách thì những vết thương tinh thần sẽ trở thành các "vết sẹo" ám ảnh con trẻ trong khoảng thời gian dài, thậm chí gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Chị Quỳnh Hương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - một kỹ sư và là bà mẹ 3 con cũng từng trải qua những giai đoạn đau đầu vì con gặp một số vấn đề tâm lý. Con trai của chị dễ có cảm xúc quá khích như gào khóc, quát tháo, ném đồ đạc. Đặc biệt, có một giai đoạn khoảng 4 tháng cuối năm con 10 tuổi, con có dấu hiệu trầm cảm, ngày chỉ ngủ từ 2h đến 4h.
Khi lên cấp 2, con đủ điểm học lớp chọn. Nhưng đây cũng là lớp nhiều áp lực khi nhiều bài tập, nhiều cuộc thi bắt buộc phải tham gia, sự cạnh tranh cũng cao vì nhiều bạn có kết quả học tập tốt.
Kết thúc năm học lớp 6, con trở nên “tự ti thu mình”, luôn thấy mình là kẻ thất bại, kém cỏi, không làm được gì ra hồn. Con chán nản, không chép bài bất kỳ môn học nào. Bài tập cũng chỉ làm theo kiểu đối phó. Con thường nhắc đến cái chết, chỉ thích ở trong nhà. Con có thể không bước chân ra khỏi cửa cả tháng, chỉ đi khi bị bắt buộc. Con dễ nản chí và bỏ cuộc, không có bất kỳ niềm yêu thích gì.
Khi nghĩ kỹ về các tính cách của con, chị thấy thương con vô cùng. Con đã vô cùng cô đơn, bất an, không thấy chút xíu niềm vui nào cho sự tồn tại của chính con. Con thu hút sự chú ý của gia đình bằng những trò đùa “lầy”, bằng những lời mắng chửi em bé. Hè năm lớp 6, chị Hương xin chuyển con sang lớp thường. Đồng thời, chị Hương đã áp dụng các cách sau:
Cho con thấy con là một cá thể độc lập, duy nhất, độc đáo và được yêu thương: Chị đã cố gắng tìm hiểu rất nhiều định nghĩa, đặc biệt về cảm xúc, để có thể thể hiện rõ nhất tình cảm dành cho con. Thay vì đi theo ép con học, chị học cách yêu con, chấp nhận con không hoàn hảo, tin rằng con có khả năng thay đổi để tốt lên, có thể học hỏi và xứng đáng được hạnh phúc.
Chị hay kể chuyện với con đủ thứ chuyện như với một người bạn, con cũng hay tâm sự với mẹ đủ thứ chuyện diễn ra quanh con. Chị nói với con về niềm vui khi con nói chuyện được thêm với một người bạn. Chị khen con khi con kể lại với mẹ về bài học của con trên lớp. Chị thể hiện sự thán phục khi con kể với mẹ về những điều hay ho mà con khám phá ra.
Cùng con xác định mục tiêu cho tương lai của con: Chị cũng nói với con, nếu học tốt, con sẽ thi đỗ vào lớp 10 công lập. Và con sẽ học cấp 3. Tiếp tục học lên Đại học. Sau đó đi làm, thường là làm văn phòng như bố mẹ. Nếu học kém hơn, không có khả năng thi đỗ lớp 10 công lập, bố mẹ sẽ cho con học trung cấp. Con sẽ đi làm sớm hơn là học qua Đại học. Con sẽ làm công nhân kỹ thuật cao, công việc vất vả hơn bố mẹ, nhưng thu nhập cũng không quá thấp.
Trường hợp xấu nhất là con bị đúp và không học được hết lớp 9. Con sẽ đi học nghề và đi làm công nhân luôn vào thời điểm nghỉ học. Thu nhập thấp hơn cả công nhân kỹ thuật cao nhưng con vẫn có tay nghề và vẫn đủ khả năng nuôi sống bản thân con. Khi con bảo con sẽ cố gắng thi vào lớp 10 công lập, chị đã cũng con tìm hiểu về kế hoạch cụ thể cho mục tiêu vào lớp 10 công lập của con!
Chị in bảng điểm chuẩn đỗ lớp 10 công lập của các năm học gần đây và cho con xem. Con nhận thấy để có thể học trong nội thành Hà Nội, điểm 3 môn Toán – Văn – Anh của con phải trung bình từ 7.0 trở lên – cách tương đối xa với điểm trong năm lớp 6 của con. Chị và con lên kế hoạch lấy lại kiến thức căn bản cho 3 môn học chính.
Con vào lớp học mới, gần 2 tháng sau đã như cá gặp nước. Mỗi ngày con đều muốn là ngày đi học để được gặp các bạn, được biết thêm nhiều kiến thức mới. Con còn dám thể hiện ở những lĩnh vực từ trước đến giờ con nghĩ là mình kém cỏi như vẽ, hát, đóng kịch, phát biểu trước lớp.
Nhưng khi 12 tuổi, học lớp 7, con chị Hương lại gặp một vấn đề khác. Con đã bắt đầu chơi game với thời gian dài (con có thể chơi đến 8h/ngày và chỉ ăn uống qua loa nếu mẹ đi vắng). Khi không cho chơi, con sẽ gào thét, thậm chí ném đồ đạc, sau đó nếu mẹ cư xử cứng rắn, con sẽ khóc lóc, rền rĩ. Khi chơi thua, con có thể chửi bới, khóc rất to. Thậm chí, con còn đặt điều kiện với mẹ: “Muốn con đi học, mẹ phải cho con chơi game!”.
Cách cư xử của chị Hương: Tránh xa con tại thời điểm sự việc bùng nổ để lấy lại bình tĩnh. Khi mẹ bình tĩnh, mẹ mới nói chuyện với con. Ngay sau sự việc con quá khích, mẹ sẽ nói với con về tổn thương con đã gây ra cho mẹ. Và nói mẹ con mình cần tách ra một khoảng thời gian để mẹ bớt tổn thương, còn con bớt tức giận.
Sau đó hai vợ chồng chị đưa ra một số thay đổi với con:
1. Quy định mỗi ngày con chỉ được dùng máy tính tối đa 2 giờ và mỗi buổi tối đa 1 giờ để tránh phụ thuộc vào game (chính con cũng công nhận là con bị game chi phối).
2. Chị không đặt điều kiện với con nữa (để con không học theo đặt điều kiện với mẹ).
3. Việc học của con để con hoàn toàn chịu trách nhiệm. Nếu con đi học thêm, con phải đi học, chép bài và làm bài tập đầy đủ. Khi con không đáp ứng 3 việc trên thì mời con nghỉ (đến cuối năm lớp 7, con đã “được” nghỉ tất cả các lớp học thêm).
Chị chấp nhận Toán con chỉ có 6 điểm thi học kỳ 2, chấp nhận môn cao nhất là 8.5 điểm, đa số các môn đều 7. Nếu con muốn tìm hiểu sâu hơn, con chỉ có cách tự học hoặc tự tìm hiểu rồi mang bài đi hỏi (bất kỳ ai trong nhà, nhưng con toàn hỏi nửa chừng hoặc bị giải theo cách của lớp lớn hơn làm con không vui).
4. Khi con nói chuyện một cách “lầy lội”, nhằm gây sự chú ý, chị sẽ tập trung vào con và nói chuyện với con một lúc. Khi này, chị sẽ nghe con kể chuyện, hỏi hành động quyết định đến kết quả, cảm xúc của con. Thường với cách nói chuyện khích lệ này, con sẽ thấy thỏa mãn và đi làm việc khác.
5. Con bắt nạt em trai (kém con 7 tuổi), con hay dùng những từ ngữ thiếu chuẩn mực để nói với em, thậm chí có lúc đá, đẩy em. Chị và cả nhà nói rõ với con làm như vậy là đang bắt nạt em, con đừng nói chuyện với em kiểu đó nữa, thay vì vậy, con có thể sử dụng các câu thay thế như thế nào. Với hành động tổn thương thân thể, chị phản ứng nghiêm khắc với con, nhìn thẳng vào mắt và nói: “Con không được phép làm em đau vì bất cứ lý do gì!”.
Chị tránh đứng về một phía và thiên vị trẻ, dành thời gian riêng cho từng con để hỏi han và tâm sự, khuyến khích con kể lại câu chuyện để từ đó, bố mẹ có thể đưa ra lời khuyên về cách giải quyết tốt hơn. Kết quả con vẫn bắt nạt em nhưng với tần suất thấp hơn và mức độ bớt gay gắt hơn.
Với những thay đổi của bố mẹ, không thấy con có hành động như khóc rưng rức, gào thét, ném đồ đạc nữa. Chị Hương mong rằng hiệu quả này sẽ được duy trì lâu dài.
"Khi bố mẹ thay đổi, con sẽ thay đổi”. Từ kinh nghiệm của mình, chị Hương cho rằng, nếu muốn con bình tĩnh, bố mẹ hãy làm gương cho con về cách lấy lại bình tĩnh. Muốn con quan tâm đến gia đình, bố mẹ hãy làm gương cho con về cách quan tâm đến gia đình.
Đồng thời, bố mẹ hãy biết cách khích lệ con, quan tâm đến cảm xúc của con trong mỗi sự việc. Đừng vì không có thời gian mà chỉ cho con các phần thưởng (chơi game, đi chơi, đi ăn nhà hàng,...) mà quên thời gian nói chuyện với con.
Giao tiếp luôn là việc quan trọng nhất để kết nối giữa người và người, cho dù bạn có nhiều tiền hay ít tiền, thứ mà người bên cạnh bạn cần nhất, nhiều khi không chỉ có vật chất, nó còn là cảm giác được yêu thương, được thuộc về, tin tưởng và được tin tưởng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn