Mẹ cháu không may mất sớm, dì thay mẹ chăm sóc cháu từ lúc cháu 5-6 tuổi. Sau đó bố cháu và dì gá nghĩa, cháu đã quen gọi dì nên không thay đổi cách xưng hô.
Tình cảm của dì với cháu bắt đầu thay đổi khi dì sinh con. Lúc đó cháu đã lên 10 tuổi nên có thể giúp dì mọi việc trong nhà, từ cơm nước, giặt giũ đến ủ than, nuôi lợn. Vậy mà dì luôn không hài lòng với cháu. Dì không mắng chửi nhưng im lặng và làm đồ ăn rất ít, trong khi cháu đang tuổi ăn tuổi lớn.
Trong mắt dì, chỉ có con gái bé bỏng, còn cháu như không tồn tại. Đến giờ, cháu không biết mình đã đi qua tuổi dậy thì như thế nào nữa. Dì không cho cháu đi học thêm, kể cả lúc cháu học lớp 12 cần ôn thi vào đại học. Với sự nỗ lực của mình, cháu đã thi được vào trường Lục quân, được Nhà nước nuôi ăn học.
Nhưng tình cảm của cháu với em gái vẫn tốt đẹp. Cháu ra trường và lấy vợ, lúc đó em gái cháu thi vào đại học. Cháu đã bàn với vợ dành một khoản tiền mua cho em máy tính, xe máy để em đi học. Lúc em lấy chồng, vợ chồng cháu cũng cho em 2 chỉ vàng làm vốn. Có chuyện gì khó giải quyết, anh em cháu vẫn thường bàn bạc với nhau.
Thế mà hiện giờ, không chỉ dì mà cả bố, cả em đều quay lưng với cháu. Chẳng là tháng trước, bố với dì quyết định bán ngôi nhà cũ của bố mẹ cháu. Cháu chưa từng có ý nghĩ ngôi nhà đó là của mình nhưng nếu bán nó đi, cháu nghĩ cháu phải được biết và sẽ được hưởng phần nào trong đó.
Nhưng đến giờ vẫn chưa có ai nói gì với cháu cả. Bọn trẻ sắp được nghỉ hè, cháu sẽ cho các con về quê chơi với ông bà như mọi khi nhưng cháu cảm thấy tủi thân và không biết nói về điều ấm ức trong lòng như thế nào. Cháu xin được giấu tên.
Thanh Tâm có thể cảm nhận cháu là một người điềm tĩnh, sống có tình cảm và trách nhiệm với gia đình. Ngôi nhà cũ của bố mẹ cháu là một kết nối đặc biệt của cháu với mẹ nên khó tránh khỏi việc cháu cảm thấy buồn tủi khi bố và dì quyết định bán đi căn nhà đó.
Trong gia đình cháu, bố và dì đã quen với việc tự quyết định mọi việc, không bàn bạc, chia sẻ với cháu rồi nên việc bán nhà lần này cũng vậy thôi. Cô nghĩ rằng, để gỡ bỏ những ấm ức trong lòng, cháu có thể trực tiếp gặp bố và dì để hỏi rõ về kế hoạch của hai người.
Có thể họ cũng đang chờ cháu về để nói với cháu về quyết định của họ. Nếu họ coi như không có chuyện gì xảy ra, cháu hãy đề đạt nguyện vọng cụ thể của mình để bố với dì hiểu, từ đó có cách ứng xử hợp tình, hợp lý.
Quyền lợi kinh tế dễ là nguồn cơn dẫn đến khúc mắc lớn trong gia đình nếu không được giải quyết khôn khéo, triệt để, thậm chí nhiều cha mẹ từ mặt con cái, người thân trong nhà kiện nhau ra toà cũng vì điều này. Vì vậy, gia đình cháu cần trao đổi rõ ràng, thẳng thắn để khi đã thống nhất rồi sẽ không ai cảm thấy ấm ức, không vừa lòng nữa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn