Không phải con xấu trai, không phải con có dị tật gì, cũng không phải con không có khả năng ăn nói mà chị Bình sợ con "ế". Ngược lại, con trai chị đi đâu cũng có nhiều bạn gái yêu quý vì tính ga lăng, hài hước.
Cũng không phải từ trước đến nay con trai chị Bình chưa từng yêu ai hay chưa có bạn gái nào thích mà chị lo. Ngược lại, năm lớp 7 con trai chị để ý một bạn gái cùng lớp. Năm lớp 8, cậu cũng thích bạn gái cùng khối. Đến năm lớp 9, năm cần tập trung vào học để chuẩn bị cho kỳ thi căng thẳng vào lớp 10, chị phát hiện con trai "đổ" một nữ sinh ở tỉnh khác. Dù thấy con trai yêu nhiều nhưng chị Bình không lo, không ngăn cản con trai. Bởi, chị hiểu tình cảm ở lứa tuổi học trò thường trong sáng. Nếu bố mẹ ngăn cản, cấm đoán thì đứa trẻ càng lao vào yêu để thể hiện sự chống đối bố mẹ.
Vì vậy mà 3 năm liền, mỗi năm con thích một bạn gái thì chị cũng "ngầm" ủng hộ. Chị để ý thì thấy, việc con có bạn gái cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc học của con. Tất nhiên con có sao nhãng, con mất tập trung nhưng vẫn ở trong tầm kiểm soát nên chị không lấy gì làm lo lắng. Chị tin rằng, ở lứa tuổi dậy thì, thứ tình cảm học trò ấy sẽ "sớm nở tối tàn".
Đúng như dự đoán, sau một thời gian yêu đương không mấy "nồng nhiệt", thấy con trai thông báo đã chia tay với bạn gái trong một tâm trạng không có gì là đau khổ, chị Bình không ngạc nhiên. Chuyện tình cảm ấy đi qua cuộc đời cậu bé như những kỷ niệm dễ thương của lứa tuổi học trò.
Bước vào lớp 10, dù không có bạn gái nhưng con trai chị Bình học không tập trung, mải chơi, ham vui bạn bè. Chị Bình cảm thấy rất lo lắng vì ở lứa tuổi này cậu con trai đã rất bướng bỉnh, cãi mẹ nhem nhẻm. Chị còn liên tục nhận được phản hồi của cô giáo về kết quả học tập ngày càng sút kém của con. Thế nhưng, chị bối rối, loay hoay không biết làm thế nào để cải thiện tình hình khi những lời mẹ nói như "nước đổ lá khoai" với con.
Thời gian gần đây, chị phát hiện con trai có chút thay đổi. Những lần đi học bóng rổ, cậu chăm chút ngoại hình hơn. Trong một lần mượn điện thoại của mẹ, do cu cậu quên thoát messenger nên chị Bình đã bắt gặp tin nhắn của con với một bạn gái trong câu lạc bộ bóng rổ. Chị nhận ra, những tin nhắn chứa đầy sự quan tâm chứ không phải là tin nhắn của những người bạn bình thường. Cảm xúc của chị thoáng vui vì nghĩ rằng, biết đâu đấy khi có bạn gái, con trai sẽ thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Những ngày sau, chị thấy con trai chăm chỉ làm bài tập hơn. Thi thoảng, chị thấy con giảng bài Lý cho bạn, cô bạn giảng bài Anh cho con qua messenger. Lúc đó, chị cảm thấy mừng húm. Chị còn động viên con tích cực giảng bài cho bạn nhiều hơn, đề nghị con giảng thêm cả môn Toán để con có động lực học hơn. Thấy mắt con trai lấp lánh vì "yêu", vì không bị mẹ ngăn cản, chị Bình biết mình đã có thể "bắt thóp" con trai.
Chị ra điều kiện với con, nếu kết quả học tập kém, nếu ở lớp không tập trung học, nếu còn bị cô giáo gọi điện về phản ánh việc học tập thì con sẽ không được dùng điện thoại, sẽ không được đi chơi bóng rổ. Đúng là "tình yêu" đã thúc đẩy cậu con trai rất nhiều. Kết quả học tập đã có những thay đổi ngoạn mục. Chị cảm thấy "biết ơn" cô bạn gái của con rất nhiều.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn