Đây là câu chuyện mà họ muốn chia sẻ về một sai lầm nghiêm trọng, một bài học đắt giá.
Vợ chồng tôi cũng như bao cặp vợ chồng khác, cuộc sống cũng có những lúc bát đũa xô, có những cãi vã. Tuy nhiên, sau đó, chúng tôi thường hòa bình rất nhanh vì vấn đề không quá nghiêm trọng, to tát. Vậy nhưng, lần cãi nhau giữa vợ chồng tôi cách đây gần 1 năm khiến tôi phải trả giá đắt, vô cùng ân hận vì ảnh hưởng xấu đến tính cách con trai tôi. Thằng bé khi đó mới chỉ mười sáu tháng tuổi. Tuy nói chưa sõi nhưng con đã biết nhận thức và bắt chước người lớn.
Hôm đó, một tay tôi bế con trai, vì nghĩ rằng con còn nhỏ chưa biết gì nên trong lúc nóng giận, tay còn lại tôi đã vơ điều khiển ti vi ném về phía chồng. Chồng tôi cũng chẳng vừa, ba máu sáu cơn điên tiết, cho tôi một cái bạt tai nảy đom đóm mắt. Tất cả những hành động của bố mẹ, con trai tôi đều chứng kiến hết.
Thật không ngờ, những điều đó ảnh hưởng đến tính cách của thằng bé theo cách tồi tệ nhất mà tôi không thể lường được. Chẳng hạn như thằng bé bắt đầu biết ném đồ đạc, mọi thứ trong tầm tay, từ đồ chơi cho đến những vật dụng khác giá trị chứ không chơi ngoan như trước nữa. Chơi với các bạn nhỏ cùng lứa tuổi, thằng bé dùng tay hoặc ném đồ vào người, vào mặt bạn. Thậm chí, tôi rất ngượng khi thường xuyên phải nghe cô giáo và phụ huynh mách tội con hay đánh bạn.
Mới gần đây thôi, khi cho thằng bé về quê chúc tết các ông bà, các bác, gặp các anh chị em lớn tuổi hay nhỏ tuổi hơn, thằng bé đều tấn công và lúc nào cũng cau có, bực bội. Con mình hay đánh người khiến vợ chồng tôi cảm thấy ái ngại và không dám cho thằng bé lại gần các bé khác.
Vợ chồng tôi thẳng thắn nhìn nhận lại mọi chuyện và phải cùng nhau thừa nhận rằng chính hành động cãi vã, xô xát trước mặt thằng bé trước đó là nguyên nhân khiến hành động và tính cách của con mình trở nên hung hãn, bạo lực như vậy.
Đây là sai lầm nghiêm trọng, một bài học đắt giá mà tôi muốn chia sẻ với các bậc cha mẹ. Khi vợ chồng bạn cãi nhau, đặc biệt là trước mặt con cái, tất nhiên, vì còn nhỏ nên trẻ sẽ không thể nào hiểu một cách tường tận từng lời nói, nhưng trẻ thu được chính xác những cảm xúc như ghét, giận dữ, thậm chí đánh nhau của cha mẹ. Và những cảm xúc ấy dần hình thành trong não trẻ, và tất cả những hành động mà bố mẹ sẽ thể hiện trong quá trình xung đột sẽ để lại trong đầu trẻ. Trẻ thường làm theo gương của bố mẹ. Nếu bạn bị mất kiểm soát khi tức giận và bắt đầu la hét hoặc đánh người khác, thì con bạn cũng sẽ “sao y bản chính”.
Từ đó, vợ chồng tôi thỏa thuận với nhau rằng hạn chế mâu thuẫn và tuyệt đối không cãi nhau khi con đang ở bên cạnh, nhất là nói không với những hành động hung hãn, thô bạo, những lời nói không hay trước mặt trẻ.
- Tránh cãi vã trước mặt con mình, tự đề ra quy ước, thỏa thuận, nó giống như một cái phanh, hãm cơn bùng phát lại, ít nhất là trong ngôi nhà, trước sự chứng kiến của trẻ. Chúng tôi cố gắng làm tấm gương tốt về khả năng giải quyết vấn đề để trẻ học theo. - Ưu tiên sự phát triển của con: Quy ước này để làm được thì không dễ nhưng một khi đặt ưu tiên đến sự phát triển lành mạnh của con, thì bố mẹ sẽ biết mình cần làm gì. Bởi một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, bố mẹ yêu thương, quan tâm đến nhau, đó mới thực sự là một môi trường giáo dục tâm lý, nhân cách trẻ tuổi ấu thơ tuyệt vời hơn bất cứ môi trường nào. |