Con trẻ tổn thương khi chứng kiến cha mẹ đánh cãi nhau

12:10 | 12/07/2024;
Soi vào tấm gương trong, trẻ sẽ có hình mẫu để phấn đấu phát triển toàn diện; ngược lại, soi vào tấm gương mờ, trẻ sẽ dễ bị thui chột nhân cách. Điều này được thể hiện rõ khi trong gia đình, cha mẹ thiếu tôn trọng nhau, thường xuyên có những hành động tiêu cực trước mặt con cái.
Lỗi từ cái nôi gia đình

Công tác trong ngành giáo dục hơn 30 năm, nhiều năm làm chủ nhiệm lớp, chị Hoàng Thị Dương (trường THCS Uy Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) cho biết, nhiều học sinh cá biệt mà chị từng tiếp xúc thường có những khúc mắc và góc khuất trong gia đình. 

Bản chất của các em này không phải là đứa trẻ hư hỏng nhưng vì sống trong môi trường thiếu văn hoá gia đình, bố mẹ không tôn trọng nhau, thường xuyên mạt sát, chì chiết và bạo hành nhau dẫn đến tác động tiêu cực với tâm lý và hình thành nhân cách của con trẻ. 

"Dạy dỗ con trẻ cũng giống như chăm sóc một cái cây non, nếu nguồn nước sạch, môi trường, thổ nhưỡng tốt, được chăm bón hàng ngày, cái cây đó sẽ lớn lên tươi tốt. Con người cũng vậy, nếu ngay từ bé, trong cái nôi được sinh ra và lớn lên đã có nhiều lỗi lầm, khuyết thiếu thì lớn lên, tính cách của chúng cũng sẽ bị ảnh hưởng", chị Dương nhấn mạnh.

Nhiều nguồn tài liệu nghiên cứu về tâm lý và quá trình hình thành tính cách của trẻ em cũng chỉ ra rằng, khi chứng kiến ông bà, cha mẹ động tí là to tiếng, cãi cọ, bạo hành nhau thì bản thân trẻ cũng sẽ ngầm hiểu rằng, việc la mắng, chửi bới, đánh đập là giải pháp thông dụng và hữu hiệu để giải quyết các vấn đề trong đời sống. 

Vì thế, khi xảy ra mâu thuẫn với người khác hoặc không vừa ý mình, trẻ sẽ có xu hướng hành động theo những gì đã được thấy từ ông bà, cha mẹ. Thậm chí, trẻ cũng có thể chống đối, hành xử hung hăng với chính người thân của mình.

Con trẻ tổn thương khi chứng kiến cha mẹ đánh cãi nhau- Ảnh 1.

Việc cha mẹ thường xuyên đánh cãi nhau trước mặt con cái sẽ gây nên tâm lý lo sợ, hoang mang ở con trẻ. Ảnh miinh họa

Sống thu mình vì bạo lực gia đình

Việc cha mẹ thường xuyên đánh cãi nhau trước mặt con cái sẽ gây nên tâm lý lo sợ, hoang mang ở con trẻ. Điều này khiến chúng sống thu mình, khép kín, thụ động, lẩn tránh giao tiếp, trò chuyện, chia sẻ với gia đình và cộng đồng.

Trong nhiều nguồn tài liệu nghiên cứu, các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra rằng, góc nhìn cùng những đánh giá tiêu cực của trẻ em về cuộc sống đa phần là bị tác động bởi môi trường sống, sự nuôi dưỡng của cha mẹ. 

Khi cha mẹ cãi vã, bạo lực nhau trước mặt con cái nhiều lần sẽ khiến con trẻ hình thành suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống, cảm thấy sợ hãi không khí gia đình, lớn lên thiếu cái nhìn tích cực ở hôn nhân. Thậm chí, các em sẽ luôn phán xét, đánh giá sự vật, sự việc xảy ra xung quanh mình theo hướng bảo thủ, cay nghiệt… 

Điều đáng quan ngại, khi bản thân mang nguồn năng lượng xấu, suy nghĩ tiêu cực, con trẻ sẽ trở nên nhút nhát, không dám ước mơ, thiếu khát vọng chinh phục, vươn lên trong cuộc sống. Sự ám ảnh bởi những ký ức không hạnh phúc trong gia đình khiến chúng trở nên thiếu niềm tin, phó mặc, buông xuôi, "mặc kệ" tất cả.

"Cha mẹ đánh chửi nhau trước mặt con cái không chỉ gây ra không khí căng thẳng trong gia đình mà còn là nguyên nhân trực tiếp tạo ra khoảng cách với các con. Không một đứa con nào muốn sà vào vòng tay cha mẹ hay tin những lời yêu thương của cha mẹ dành cho mình khi mà họ sẵn sàng quẳng vào mặt nhau những từ ngữ vô văn hoá. 

Thế nên, vợ chồng lấy nhau, sinh ra các con và tạo dựng cho chúng một gia đình thì đừng vì sự ích kỉ cá nhân mà bắt con trẻ phải chịu đau khổ, tổn thương và cô đơn vì cha mẹ không yêu thương nhau", chị Hoàng Dương bày tỏ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn