Ít học, nghèo, nhà quê, chân thành, tần tảo, chịu khó, hay làm, đảm đang… là những tính từ thuộc… về mẹ. Thật buồn cười khi rõ ràng, mẹ là "bà già nhà quê chính hiệu" mà mỗi khi nói chuyện với ai, thi thoảng, giữa câu chuyện của mình, mẹ cứ phải đế thêm vào: "Bác thông cảm, em vốn quê mùa"; "Chú/cô thông cảm, chị quê mùa"; "Cháu thông cảm, bác/ cô/bà quê mùa…". Có lần con nhắc: "Mẹ đừng nói thế nữa, nói thế để làm gì!". Mẹ bảo: "Thì mình nhà quê, mình bảo mình nhà quê, có gì đâu. Người nhà quê lòng nghĩ sao nói vậy, người ta có học hành, lễ nghĩa, sang trọng cũng không chấp trách, để bụng mình"…
Hoá ra mẹ nói vậy, chẳng phải chỉ để khẳng định mình "nhà quê" mà ý tứ xa xôi, là mẹ mong mọi người thông cảm, châm chước cho những điều mình "chưa chuẩn" trong lúc lời ra, chuyện vào.
Nhưng mẹ biết không, con vô cùng tự hào, vì mẹ con nhà quê nhưng chắc chắn, có những điều, nhiều bà mẹ thành phố hay trí thức cũng chưa chắc đã làm được như mẹ của con! Ví như khi con gái mẹ "muộn chồng", bà con xóm giềng hễ cứ nhìn thấy con là "thầm thì to nhỏ", mẹ bảo: "Giờ chúng nó được ăn được học, có hiểu biết nên yêu ai, lấy ai, kết hôn lúc nào phù hợp cứ để chúng nó quyết. Nó lấy chồng chứ mình lấy thay nó được đâu mà mình muốn là được. Giờ sinh đẻ 1, 2 đứa con, đâu có bầy đàn như mình ngày trước mà lo".
Ví như khi con đi lấy chồng, thay vì câu dặn dò "Sống làm người nhà chồng, chết làm ma nhà chồng", "Thuyền theo lái, gái theo chồng"… mẹ bảo: "Con là người được bố mẹ cho ăn học đàng hoàng, mẹ tin con biết đường ứng xử với ba bề bốn bên nhà chồng-nhà vợ".
Ví như khi gặp lời dị nghị người đời, mẹ bảo: "Nó trong nhà như thế nào, đối xử với mọi người ra sao, đẻ ra con, nuôi nấng, dạy dỗ con bằng chừng này, nên tôi tin vào cháu nó". Một lời nói thể hiện niềm tin của mẹ, cho con thêm bao vững vàng!
Ví như khi hôn nhân của con đổ vỡ, thay vì càm ràm, khó chịu, sợ búa rìu dư luận, sợ "lời ong tiếng ve", mẹ (chắc trong lòng tan nát lắm, nên cả tiếng thở dài mẹ cũng giấu thật sâu) nhưng đêm nằm bên con (cùng con của con nữa), vẫn lần tay sang vuốt tóc con mà rằng: "Mỗi người mỗi phận, mỗi phúc phần, ở với nhau mà không hạnh phúc, không tôn trọng nhau, hy sinh vô ích thì thà tự lực cánh sinh cho nhẹ thân. Giời cho mình làm mẹ, gắng mà nuôi con, con ạ! Đời người chẳng ai giàu ba họ, không ai khó ba đời, ông trời sẽ chẳng lấy hết của ai cái gì. Cố vất vả vài năm, lúc con nó lớn, bớt thơ bớt mọn, mình sẽ nhàn dần. Có mẹ, có các anh chị em, có cả nhà, chẳng lo gì thiếu. Vất vả quá, về với mẹ, mẹ trông nom cho…". Lúc ấy, con chỉ muốn ôm mẹ oà khóc như đứa trẻ năm nào. Con cố hít một hơi thật dài, trái tim thấy ấm áp và mạnh mẽ xiết bao khi có những lời của mẹ.
Ví như hễ khi nghe tin con cảm mệt, bất luận nắng mưa, sáng tối, mẹ lại tất tả lần ra. "Lại đau đắng thế nào hả con?", "Mẹ mày chắc làm vất vả nên lại đau đầu à?", "Ốm bao giờ mà chả thấy gọi mẹ thế?"… - Chưa thấy cái bóng đổ về phía trước cùng bước chân tập tễnh của mẹ nhưng tiếng mẹ đã vọng vào từ xa. Chả biết con ốm đau nặng nhẹ thế nào nhưng cứ nghe con "mệt" là ruột mẹ buốt như cào.
Ví như con chả mấy khi nắn chân, bóp tay cho mẹ nhưng hễ con đau đầu là mẹ có thể ngồi cả giờ để bóp đầu cho con. Con mổ cắt có đoạn ruột thừa mà mẹ làm như cắt cả phần cơ thể. Nhà đông anh chị em mà mẹ cứ: "Hay để mẹ vào với con nhé! Ở nhà, nóng ruột lắm". Con ra viện, mẹ trực sẵn ở cổng đón con, vừa nằm xuống giường, mẹ đã: "Nằm quay đây mẹ bóp chân cho đỡ mỏi". Chân con gái to như chân voi, người như cái xe lu, tay mẹ già quắt nheo như quả héo mà cứ xoa xoa, bóp bóp, thì thầm: "Chịu khó mà bồi bổ, lại sút cân thì chết. Đừng có sợ béo, khoẻ mới được…".
Mẹ ơi, nước mắt chảy xuôi, thời nào cũng thế! Nhân gian vẫn nói "đời con bóng mẹ", đi gần hết cuộc đời mẹ vẫn luôn đau nỗi đau của con, buồn nỗi buồn của con. Nhưng đôi khi, sự thật là có lúc chìm trong niềm vui nào đó, con đã lơ là, nhãng quên hình bóng mẹ. Dẫu phải trải qua nhiều sóng gió, buồn đau thì con vẫn mãi là người hạnh phúc vì con được làm con của mẹ. Có mẹ, gánh nặng trên vai con nhẹ ngàn lần.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn