Con về quê nghỉ hè, mẹ lo ngay ngáy

00:06 | 01/06/2016;
Về quê dịp hè, con có tuổi thơ đúng nghĩa khi được vui chơi, chạy nhảy trong một không gian rộng lớn, nhưng ở thành phố cha mẹ nơm nớp lo âu.
Tai nạn đuối nước là điều khiến cha mẹ lo lắng nhất khi gửi con về quê dịp hè. Ảnh minh họa internet.

Cho hai con về quê nội chơi khi con bắt đầu nghỉ hè nhưng chị Trần Ánh Ngọc (Q.5, TPHCM) luôn có cảm giác không yên tâm. Chị không sợ con khổ, thiếu thốn vì bà nội chăm sóc các cháu rất kỹ càng. Chị không sợ con đen đi vì bêu nắng, bởi chạy nhảy ngoài trời mới khiến các con khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tốt hơn rất nhiều so với việc các con ngồi trong nhà "ôm" tivi, chơi vi tính… Chị mong các con gắn bó hơn với ông bà nội, họ hàng, làng xóm.

Điều khiến chị Ánh Ngọc lo lắng là xung quanh nhà ông bà nội của các con chị có nhiều ao và có một con sông dài nước cuồn cuộn chảy. Trước khi con về quê, chị đã phải dặn dò con cẩn thận với sông nước, không được chơi gần ao, gần sông kẻo trượt chân ngã. Ngày nào, cứ rảnh là chị lại gọi điện về quê kiểm tra con, hết nhắc ông bà canh chừng các cháu cẩn thận lại nhắc con tìm chỗ chơi xa ao, xa sông. Chị còn lo hơn khi con trai học lớp 6 của chị ngày nào cũng bắt ông nội cho đi tắm sông. Nơm nớp lo khiến chị chỉ mong nhanh hết ngày, chỉ đến tối gọi điện thấy con an toàn, vui vẻ, chị mới thở phào nhẹ nhõm.

Ở quê, con được vui chơi thỏa thích nhưng cũng có nhiều tai nạn tiềm ẩn. Ảnh minh họa internet.

Giống như chị Ánh Ngọc, nhiều cha mẹ lo lắng sự mất an toàn khi gửi con về quê. Không chỉ lo nạn đuối nước vì ao hồ, kênh rạch rất nhiều, họ còn lo con bị điện giật khi dây diều vướng vào dây điện, lo con bị tai nạn khi đi xe đạp trong đường làng… Với những nỗi lo ấy, nhiều cha mẹ đã bỏ kế hoạch cho con về quê, bắt con chơi ở nhà để dễ bề quản lý.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải (giảng viên Học viện Thần học Tomas Aquino), ngoài tai nạn giao thông và đuối nước còn nhiều rủi ro khi các em tham gia các hoạt động ngoài trời như bị côn trùng đốt (ong bò vẽ, kiến độc, rết, bò cạp,…), rắn cắn, trèo cây bị ngã, động vật (chó, trâu bò, ngựa) cắn, húc, đá hoặc đâm vào người; ngộ độc (thức ăn, thuốc ngủ, chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu, a xít,…).

Cha mẹ nên dạy con cách sơ cứu để giúp con bình tĩnh trước các tai nạn. Ảnh minh họa internet.

Ngay ở trong nhà cũng ẩn chứa những rủi ro gây tai nạn thương tích cho trẻ như: Bỏng (nước sôi, canh nóng, cafe nóng, khói độc xông vào đường thở…), bỏng lửa, vật nhọn đâm vào mắt, hóc dị vật đường thở (hạt trái saboche, hạt bắp, đồ chơi,…), sặc sữa hoặc cháo, “chết đuối trên cạn” do chúi đầu vào vật dụng chứa nước, ngã cầu thang, té lầu, điện giật…

Không thể ở bên con 24/24 giờ và cũng không thể ngăn các con tham gia các hoạt động vui chơi ngày hè, vì vậy cha mẹ cần trang bị cho con những kiến thức và kỹ năng phòng tránh tai nạn rủi ro. Cha mẹ cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây tai nạn cho con như lắp đặt rào chắn quanh ao hồ, đậy nắp hố gas, để bình nước nóng xa tầm với của trẻ, mặc áo phao cho trẻ khi đi bơi…

Cha mẹ cũng cần cho con tham gia các khóa đào tạo kỹ năng sống, dạy trẻ cách ứng phó với nguy hiểm khi đi dã ngoại, cách sơ cứu để giúp trẻ bình tĩnh trước các tai nạn, biết cách xử trí và làm đúng ngay từ đầu trong khi chờ đợi người lớn đến cứu giúp và gọi được cấp cứu đến hỗ trợ: Sơ cứu ngạt thở, ngừng thở, ngừng tim (trường hợp điện giật, đuối nước, bỏng, ngã); xử trí ban đầu khi bị chấn thương mắt, ngộ độc thực phẩm, hóa chất, cầm máu vết thương, ngất xỉu, ong đốt, rắn cắn… Chỉ khi tin tưởng con có thể tự bảo vệ mình an toàn, cha mẹ mới yên tâm làm việc và để con thoải mái trải nghiệm hè theo cách mà con thích. 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn