“Người giấu mặt” đã xuất hiện!
Ông Diệp Khắc Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển mạng lưới hữu nghị (FNC), người bị tố nằm trong nhóm sáng lập iFan, vừa lần đầu tiên “xuất đầu lộ diện” trước báo giới để “giải thích” những vấn đề liên quan đến cá nhân ông.
Trước hết, ông Cường phủ nhận việc hợp tác với dự án iFan, khẳng định chưa từng ký hợp tác, thỏa thuận nào với iFan. Thậm chí còn nói rằng mình cũng là nạn nhân vì bị… vạ lây. Về việc ông xuất hiện trong 2 buổi hội thảo giới thiệu, kêu gọi đầu tư của iFan vào tháng 9/2017, ông “giải thích” rằng sự hiện diện của mình chỉ nhằm giới thiệu về hoạt động của FNC và dự án ông đang dự tính triển khai.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư có mặt tại buổi gặp báo chí không đồng tình với giải thích này. Theo anh Nguyễn Minh Thiện, một nhà đầu tư đã bỏ ra 25.000 USD mua iFan, thì ông Diệp Khắc Cường chính là người trình bày trước các nhà đầu tư một dự án ứng dụng (Apps) của FNC dành cho giới văn nghệ sĩ để gắn tiền ảo iFan vào ứng dụng này.
Một phụ nữ đầu tư hơn 20 tỷ đồng là chị Lê Thị Hương quả quyết rằng, chị cũng như những thành viên của nhóm đầu tư có đủ bằng chứng cho thấy ông Diệp Khắc Cường là “cha đẻ” của iFan.
Cũng theo nhà đầu tư này, hiện ông Cường đang nắm giữ của các nhà đầu tư 1,8 triệu USD để tiếp tục triển khai phát hành một đồng tiền ảo khác. Nhiều tháng trước, khi nhà đầu tư đến đòi lại tiền thì ông Cường hứa sẽ trả lại nhưng với điều kiện phải có sự chứng kiến của cơ quan công an.
“Hiện nhiều nhà đầu tư vẫn còn lưu giữ nội dung trên Facebook khi ông Cường đứng ra tuyên bố mình là nhà sáng lập iFan. Nếu ông Cường tiếp tục tuyên bố ông không liên quan đến iFan thì chúng tôi sẽ cung cấp cho cơ quan công an”, chị Hương khẳng định.
Công an TPHCM sẽ vào cuộc
Như PNVN đã phản ánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm mới đây đã có công văn khẩn giao Công an TP kiểm tra, xác minh đường dây tiền ảo đa cấp liên quan Công ty Modern Tech với việc bị tố lừa 15.000 tỉ đồng.
Đại diện chính quyền TPHCM khẳng định, các loại tiền ảo không được thừa nhận là tiền tệ để có thể trở thành phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Nhấn mạnh về trách nhiệm đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động tiền tệ, lãnh đạo thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm vi phạm và hạn chế tối đa rủi ro xảy ra với người dân, doanh nghiệp.
Trong một động thái tiếp theo, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng Phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an TPHCM, cho biết: Hiện các đơn vị Công an TP đang vào cuộc xác minh việc Công ty Cổ phần Modern Tech bị tố cáo lừa đảo chiếm đoạt hơn 15.000 tỉ đồng từ tiền ảo ifan.
“Hiện tại chưa xác định đây có phải là lừa đảo hay không. Thực tế, tiền ảo không được Nhà nước Việt Nam xem là tài sản và cho lưu thông. Một số cơ quan báo chí đã đưa tin lừa đảo, người dân căng băng rôn tố lừa đảo là không có cơ sở. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận ngay là không có lừa đảo. Hiện tại chúng tôi cũng chưa nhận được tố cáo từ nhà đầu tư nào”, người phát ngôn Công an TPHCM nói.
Trong các cuộc tiếp xúc với một số nhà đầu tư gần đây, tất cả họ đều không đồng ý tiếp lộ danh tính, không lộ diện (đeo khẩu trang bịt kín mặt hoặc không cho chụp ảnh). Dường như thông tin cho rằng chính các nhà đầu tư trong đường dây đầu tư tiền ảo đa cấp cũng có thể bị truy cứu hình sự đã khiến những người này lo ngại, là nguyên nhân dẫn tới việc chưa ai dám đứng ra hợp tác với cơ quan chức năng để điều tra vụ việc.