Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, với chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Chỉ huy tiền phương, UBND TPHCM, đợt kiểm soát di chuyển lần này được thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ với phương châm "ai ở đâu ở yên đó". Công an Thành phố được giao cấp giấy đi đường cho các đối tượng được phép lưu thông.
"Công an Thành phố thực hiện việc cấp giấy đi đường phải hết sức cân nhắc", Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.
Theo Thượng tá Hà, đợt giãn cách lần này được làm nghiêm ngặt. Do vậy số người được cấp giấy đi đường là những người đi ra đường để thực hiện công vụ, chỉ cấp cho những người thực sự cần thiết, đi làm nhiệm vụ.
"Có tình trạng có doanh nghiệp đề nghị rất nhiều, có doanh nghiệp đề nghị đến 50-60 người nhưng thực tế số người đi lo công việc cần thiết, hậu cần, tài chính thì chỉ cần 2-3 người, có thể 1 người. Đương nhiên công an thành phố phải xem xét", Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết.
Đề giải quyết cấp giấy đi đường phù hợp trước nhu cầu lớn của các đơn vị, doanh nghiệp, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, trong quá trình làm, nếu thực sự bức thiết, đúng với yêu cầu thì Công an Thành phố sẽ cân nhắc, xem xét. Số lượng giấy đi đường cấp bao nhiêu, đối tượng nào thì Công an Thành phố phải báo cáo với lãnh đạo UBND Thành phố.
Về phản ánh một số xe có mã QR Code nhưng không được cho qua chốt, công an thành phố ghi nhận có tình trạng này. Theo quy định, xe đã được cấp mã QR Code được phép lưu thông theo khu vực, lộ trình, thời gian được cấp phép và không kiểm tra giấy đi đường.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, ngay trong trưa ngày 25/8, Công an Thành phố đã họp rút kinh nghiệm với lãnh đạo chỉ huy các quận huyện, trao đổi các nội dung vướng mắc được người dân phản ánh.
Đối với các cơ sở kinh doanh gas, do UBND các cấp tập hợp số lượng, phối hợp với công an để cấp giấy đi đường. Công an Thành phố ủy quyền cho trưởng Công an cấp huyện ký giấy đi đường đối với các trường hợp này.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM - cho biết thêm, đối với việc cấp giấy đi đường cho loại hình gas và logistics, ngày 24/8, Sở cũng đã có văn bản gửi cho TP.Thủ Đức và các quận huyện về việc sở chỉ cấp giấy đi đường cho 3 loại hình gồm các hệ thống phân phối, các doanh nghiệp có đơn hàng xuất nhập khẩu và đội ngũ lao động của điện lực. Còn các loại hình khác do các quận huyện, sở ngành khác thực hiện.
Sở cũng đã yêu cầu các đơn vị tính toán, cắt giảm lại để cấp số lượng giấy đi đường phù hợp. Trong đó, ưu tiên cho những đối tượng bắt buộc, như các nhân viên các siêu thị, cửa hàng, doanh nghiệp có hàng hóa phải xuất khẩu ngay.
Theo ông Phương, khi nhận được đề nghị về mẫu giấy đi đường mới, sở đã cấp được 831 hồ sơ và từ chối 352 hồ sơ. Sở sẽ có văn bản giải trình và kiến nghị công an cấp thêm vì thực tế một số loại hình hiện nay chưa được cấp giấy đi đường để hoạt động theo đúng yêu cầu.
Đã lập được 401 trạm y tế lưu động
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, trong thời gian ngắn thành phố đã triển khai được 401 trạm y tế lưu động, có đầy đủ số điện thoại, có bác sĩ, điều dưỡng và các lực lượng hỗ trợ.
Theo thống kê của Tổng cục Dân số Thành phố, thành phố có khoảng 7,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên. Đến nay, đã có 76,4% trong số người từ 18 tuổi được tiêm vaccine mũi 1 và mũi 2 là 3,1%. Trong đó, có 885.000 người được tiêm vaccine Vero cell mũi 1. Thành phố sẽ hướng tới phối hợp giữa đội lấy mẫu và đội tiêm tổ chức tiêm vaccine cho những người không đến được các cơ sở y tế; những người “vùng cam”, “vùng đỏ”.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn