Cụ thể, 11 Bộ luật và Luật gồm: Bộ luật Lao động, Luật Thư viện; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Dân quân tự vệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Chứng khoán.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đến việc soạn thảo các Bộ Luật, Luật trên đã thông tin các nội dung của các luật mới được ban hành.
Trình bày về Bộ luật Lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Bộ luật Lao động với 17 chương, 220 điều, đã có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn, quan trọng.
Theo đó, một số nội dung lớn của Bộ luật Lao động như tuổi nghỉ hưu. Tuổi nghỉ hưu chung trong điều kiện lao động bình thường, nam nghỉ hưu ở tuổi 62 (vào năm 2028) và nữ ở tuổi 60 (vào năm 2035) theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và tăng 4 tháng đối với nữ kể từ năm 2021.
Một số quy định khác như nới trần làm thêm giờ theo tháng từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng và quy định cụ thể các trường hợp được làm thêm giờ lên tới 300 giờ/năm. Bổ sung thêm 1 ngày nghỉ lễ liền kề trước hoặc sau ngày Quốc khánh 2/9. Nhà nước chỉ ban hành mức lương tối thiểu, người sử dụng lao động tự quyết định chính sách tiền lương (thang, bậc lương) trên cơ sở tham vấn với tổ chức đại diện người lao động...
Bộ luật Lao động sửa đổi cũng bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới để taọ điều kiện cho lao động nữ thực hiện quyền của mình; hạn chế tối đa các quy định cấm; sửa đổi một số quy định áp dụng chung cho cả lao động nam và nữ.
Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức có đề cập đến một số nội dung đang được dư luận quan tâm như quy định công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập sẽ không còn được là công chức.
Bổ sung và giao Chính phủ quy định cụ thể đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, giải thích thêm, công chức khi về hưu nếu bị kỷ luật, có thể sẽ bị thu hồi những huân, huy chương, thành tích đã đạt được trong thời điểm đảm nhiệm chức vụ.
Tại họp báo, Trung tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an - đã giới thiệu về Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Trong đó, đáng chú ý Luật Xuất cảnh, nhập cảnh có 8 chương, 52 điều. Luật có những điểm mới như không đặt vấn đề "nộp hồ sơ" khi đề nghị cấp hộ chiếu mà chỉ quy định điền vào tờ khai theo mẫu để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu trong nước nếu có căn cước công dân có quyền lựa chọn thực hiện tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận tiện. Người từ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chip điện tử hoặc không gắn chip điện tử...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn