Giữ gìn 36 phố phường là tập hợp những bài viết của Tô Hoài về Hà Nội: thực trạng đã xảy ra ở Hà Nội những thế kỷ trước và nhu cầu giữ gìn các di tích lịch sử, nét đẹp văn hóa, nếp sống tốt đẹp... của Hà Nội xưa.
Những ký ức không chịu ngủ yên là tuyển tập những hồi tưởng của Tô Hoài về những ngày đã qua. Tác phẩm gồm 5 bài tự truyện viết trong những năm 1944 - 1947 về Hà Nội, về cuộc sống của chính tác giả, về những người bạn một thuở, về những người thợ cửi... Là những dòng hồi ức đầy xúc động và lắng đọng của Tô Hoài.
Người con gái xóm cung là tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Tô Hoài viết về cuộc sống của những con người Việt Nam đang sống ở quê hương và cả những người Việt xa xứ. Đó là những nỗi buồn khi trầm lắng, khi rõ rệt, được viết bằng bút pháp linh hoạt của nhà văn Tô Hoài.
Tô Hoài thể hiện khả năng kiểm soát hồi ức của mình, từ chỗ tích lũy những kỷ niệm để biến nó thành những con chữ trên trang giấy. Truyện hay ký, thì chất hiện thực trong những tác phẩm của Tô Hoài vẫn ngồn ngộn. Ngồn ngộn mà nhẹ bẫng.
Đọc Tô Hoài, ta cũng có cảm tưởng như ông viết thật dễ dàng, cứ như ông ngồi trước bàn, chiêm nghiệm lại quá khứ, những cảnh, những người, đã lướt qua đời ông, rồi cứ thế những hình, những ảnh ấy tự hóa thành chữ, cứ hiện ra trên trang giấy.
Đặc sắc nhất trong sự nghiệp Tô Hoài vẫn là thể ký. Trong thể loại này, Tô Hoài đã thể hiện khả năng quan sát của mình, vừa nghiêm túc, vừa dí dỏm, ông nhìn lại quá khứ, ghi nhận lại những chuyện hôm qua, hiện thực mà như một câu chuyện cổ tích được truyền miệng được lưu truyền trong dân gian, trở thành một kết cấu vừa hư vừa thực.
Cùng với thời gian, văn chương Tô Hoài cũng đứng trước những thách thức về sự tồn tại của nó. Đó là sự công bằng tất yếu trong quá trình phi huyền thoại hóa của một bậc đại thụ văn học và đến lúc ấy, những gì còn lại ở Tô Hoài chính là bóng hình của dĩ vãng mà ông từng sống trong đó.