Theo chia sẻ của một số công chứng viên có nhiều năm công tác trong lĩnh vực này, để đảm bảo chất lượng, thông thường mỗi công chứng viên chỉ có thể ký tối đa 10 hợp đồng hoặc giao dịch (gọi chung là hợp đồng) mỗi ngày. Với những công chứng viên có chuyên môn cao và làm việc khoa học thường chỉ ký tối đa không quá 8 hợp đồng mỗi ngày.
Một nghiên cứu của Nhóm học viên Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) và học viên Học viện tư pháp về tốc độ công chứng hợp đồng trong khoảng thời gian từ quý I/2018 đến quý I/2024 cho thấy mối liên hệ giữa chất lượng hợp đồng công chứng với tốc độ công chứng hợp đồng của công chứng viên. Nghiên cứu chỉ ra rằng, những công chứng viên có chuyên môn cao và làm việc khoa học thường chỉ ký tối đa không quá 8 hợp đồng mỗi ngày.
Tuy nhiên, thực tế phân tích dữ liệu 01/01/2018 đến quí I năm 2024, nhóm nghiên cứu nhận thấy: Các công chứng viên làm việc ngày càng nhanh chóng, tốc độ công chứng hợp đồng ngày càng nhanh. Tính trung bình suốt 1 quý, có nhiều công chứng viên ký xác nhận tới 242 hợp đồng mỗi ngày (gấp 30 lần so với mức độ trung bình 8 ký công chứng hợp đồng mỗi ngày). Cá biệt, có những trường hợp ký tới 700 hợp đồng trong 1 ngày. Đáng chú ý, nghiên cứu cho thấy, nhóm công chứng viên làm việc quá tải trên hiện chiếm 15% tổng số công chứng viên và khoảng 60% tổng số hợp đồng được thực hiện trong tình trạng "thần tốc". Nghiên cứu cũng cho thấy lực lượng công chứng viên gia nhập nhóm công chứng hợp đồng "thần tốc" tăng cao hơn so với tốc độ tăng nhân sự của nhóm (755% so với 645%).
Ông Nguyễn Văn Yên, một công chứng viên có hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động tại Hà Nội, cho rằng: "Việc công chứng nhanh chóng có thể là do nhiều nguyên nhân, bao gồm sự gia tăng nhu cầu giao dịch, sự phát triển của công nghệ. Tuy nhiên, việc chạy đua với số lượng hợp đồng công chứng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như sai sót trong thủ tục, vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên tham gia giao dịch".
Một nguyên nhân sâu xa, cốt lõi của tình trạng công chứng "thần tốc" từ chính trong quy định của pháp luật. Luật pháp chưa có quy định cụ thể về giới hạn số lượng hợp đồng/thời gian của công chứng viên và thiếu biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những vi phạm đã tạo điều kiện cho một số công chứng viên lợi dụng để trục lợi.
Bên cạnh đó luật pháp cũng chưa quy định quy trình quản lý hoạt động ký ngoài trụ sở hiệu quả, khoa học khiến vô hình chung đã tạo ra những lỗ hổng trong việc quản lý chất lượng hoạt động công chứng, mà qua đó, một bộ phận công chứng viên đã thực hiên công việc sai quy định.
Ngoài ra luật pháp cũng chưa có quy chuẩn quốc gia cho chất lượng hoạt động công chứng. Mức độ chuyên môn, trình độ tay nghề và đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên có thể khác nhau, dẫn đến chất lượng dịch vụ công chứng không đồng đều trên cả nước. Việc thiếu quy chuẩn khiến cho việc quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng gặp nhiều khó khăn.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Chi, chuyên gia pháp luật, nhận định: "Việc công chứng sai quy định có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Thứ nhất, nó có thể khiến công chứng viên không cần xem xét kỹ lưỡng nội dung hợp đồng, tạo ra nhiều sai sót trong việc xác minh thông tin, pháp lý của các bên tham gia giao dịch. Thứ hai, việc chạy đua với tốc độ, vì lợi nhuận mà làm sai quy định có thể khiến công chứng viên bỏ qua các bước thủ tục cần thiết, dẫn đến việc công chứng không hợp lệ. Thứ ba, điều này có thể ảnh hưởng đến uy tín của ngành công chứng và niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật."
Theo Ths Lê Văn Thanh, nghiên cứu viên Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, khi ký hợp đồng quá nhanh, công chứng viên không có đủ thời gian để rà soát kỹ lưỡng nội dung hợp đồng, dẫn đến nguy cơ sai sót, nhầm lẫn, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên tham gia giao dịch. Bên cạnh đó một số công chứng viên cố tình vi phạm, không chấp hành các quy định pháp luật vể công chứng để mở rộng địa bàn và thị phần, làm mọi cách để tối ưu hóa lợi nhuận, từ đó, gây ảnh hưởng đến uy tín của nghề nghiệp công chứng viên nói riêng và của nhà nước nói chung. Tình trạng công chức thần tốc cũng có thể gây bất ổn xã hội. Các sai phạm có thể dẫn đến những tranh chấp, kiện tụng trong giao dịch dân sự, gây ảnh hưởng đến sự ổn định của xã hội.
Tốc độ công chứng hợp đồng một cách "thần tốc" tại Hà Nội là một thực trạng cần được quan tâm vì hoạt động này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân. Theo Ths Lê Văn Thanh, bên cạnh các nội dung về chuyên môn, tay nghề, đạo đức nghề nghiệp, chất lượng, quan điểm tiếp cận các văn bản công chứng… cơ quan quản lý cần ban hành định mức lao động đối với công chứng viên.
Theo quy định tại Nghị quyết 89/2023/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 thì vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Công chứng (sửa đổi); vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) trình Quốc hội thông qua Luật Công chứng (sửa đổi).
Định mức này cần quy chuẩn thành quy định cụ thể để đảm bảo mỗi công chứng viên ký tối đa không quá một số lượng hợp đồng trong một ngày làm việc, ví dụ: Không quá 30 hợp đồng. Việc ban hành quy chuẩn làm việc này đã được một số ngành nghề đặc thù khác áp dụng. Ví dụ, trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, Thông tư số 13/2023/TT-BYT ngày 20 tháng 6 năm 2023 của Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh: bảo đảm mỗi bác sĩ, chuyên gia khám, tư vấn tối đa không quá 45 người/ngày làm việc 8 giờ).
Bên cạnh việc quy chuẩn số lượng hợp đồng công chứng trong một khoảng thời gian đối với công chứng viên, các văn bản pháp luật về công chứng hiện hành vẫn chưa có quy trình cụ thể về việc thực hiện công chứng ngoài trụ sở văn phòng công chứng. Vì vậy, trong lần sửa đổi Luật Công chứng tới đây cần có những quy định về vấn đề này để cơ quan quản lý có căn cứ ban hành các văn bản cụ thể, đảm bảo cho hoạt động công chứng an toàn, minh bạch khi thực hiện các giao dịch dân sự, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn