Người Hà Nhì hay còn gọi là Hà Ni, U Ni, Xá U Ni, gồm các nhóm địa phương: Hà Nhì, Cồ Chồ, Hà Nhì La Mí, Hà Nhì đen với hơn 25 nghìn người (theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019). Riêng huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) - nơi tập nhiều người Hà Nhì sinh sống có 4.661 người, chiếm 99,2% tổng số người Hà Nhì toàn tỉnh.
Hà Nhì có dân số ít nhưng lại có những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đậm nét so với các tộc người khác trong cùng khu vực cư trú. Những năm qua, cộng đồng người Hà Nhì nhận được sự quan tâm đầu tư bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa khá lớn. Đặc biệt là văn hóa phi vật thể như các làn điệu dân ca, các điệu múa, các nghi lễ, nghi thức trong đời sống tâm linh của người Hà Nhì.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, cán bộ ngành Văn hóa tỉnh Lào Cai: Dân ca của người Hà Nhì gồm hát đồng dao A đù lu (những bài hát gắn với các trò chơi dân gian của thanh, thiếu niên), hát nghi lễ, hát chúc Tết Ga tho tho, hát múa Ba sa ma (đón trăng), hát giao duyên, hát mười hai tháng, hát tết, hát tình bạn, hát mời rượu, hát về nguồn cội Hà Nhì... Có thể hát đơn hoặc hát tập thể. Khi hát có nhiều bài dùng nhạc cụ đệm nhạc để bài hát thêm hay và sinh động hơn.
Về nhạc cụ, người Hà Nhì ở Lào Cai thường sử dụng những nhạc cụ đặc trưng như đàn tròn “hót tơ”, sáo dọc, sáo ngang, nhị và tù và. Thực ra, người Hà Nhì Đen rất khéo léo về chế tạo, sử dụng những chất liệu thiên nhiên để làm nhạc cụ. Tiêu biểu là kèn lá; sáo “phi sư” (một loại sáo có sáo ngắn sáo dài, trong đó, sáo ngắn có 4 lỗ hình vuông, mỗi lỗ cách khoảng 2,5cm, dài khoảng 17cm, đường kính 0,8cm, hai đầu không bịt). Đàn nhị “sư vư” (có hai dây nhị bằng tơ, nilon, dài khoảng 80cm, 89cm, hai trục dây, một cần nhị, một bát nhị, tất cả bộ phần nhị làm bằng gỗ). Với loại nhạc cụ này chỉ cần biết lựa chọn mảnh lá không quá già, không quá tươi, những người đàn ông Hà Nhì Đen dễ tạo nhạc cụ kèn lá thiên nhiên bằng lá cây.
Tuy nhiên, chiếc đàn tròn hay còn gọi là Hó tơ chiếm vị trí khá đặc biệt và quan trọng trong đời sống người dân nơi đây. Tiếng đàn thường được ngân lên vào dịp lễ Tết đầu năm, Lễ hội cầu mùa… Những dịp ấy, đàn ông Hà Nhì lại mang đàn Hó tơ ra tấu lên những bản nhạc tươi vui mừng năm mới. Chính vì thế, nhạc cụ này được đồng bào Hà Nhì gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn đi cùng năm tháng với di sản dân ca dân vũ, làm nên nét độc đáo riêng có của đồng bào dân tộc Hà Nhì.
Một trong những nét văn hóa dân gian độc đáo được chú trọng bảo tồn là các trò chơi dân gian của người Hà Nhì đen ở Bát Xát. Điển hình là trong chơi cầu bập bênh và cây đu trong lễ Khô Già Già. Mỗi khi trong làng bản diễn ra lễ hội, người dân lại tổ chức làm các trò chơi cầu bập bênh, cây đu để phục vụ dân làng.
Để Triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030” của Bộ VHTTDL, tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch 246/KH-UBND “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh từ năm 2023.
Theo đó, Mô hình bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ truyền thống dân tộc Hà Nhì tại xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai được tổ chức với sự tham gia 7 nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng là chủ thể văn hóa trực tiếp truyền dạy và 73 học viên dân tộc Hà Nhì. Bộ VHTTDL đã hỗ trợ trang thiết bị, nhạc cụ, đạo cụ phục vụ xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc Hà Nhì, nhằm phục vụ công tác bảo tồn và tuyên truyền, quảng bá dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc.
Từ những cảnh quan văn hóa thiên nhiên hùng vĩ, cùng với các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của người Hà Nhì được bảo tồn và phát huy, đã tạo thành những sản phẩm du lịch cộng đồng đầy tiềm năng, góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch ở địa phương.
Với những giá trị văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, đồng bào Hà Nhì ở Lào Cai chắc chắn sẽ làm tốt việc "biến di sản thành tài sản", nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống từ chính văn hóa truyền thống của mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn