Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần. Đây cũng là thời điểm nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm tăng cao. Theo thống kế hàng năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân thường tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, tăng 20-30% so với các tháng khác.
Thời điểm này, việc sản xuất, kinh doanh, vận chuyển các mặt hàng rau, thịt, cá... gia tăng đáng kể, kéo theo nguy cơ mất an toàn thực phẩm cũng tăng cao. Chính vì vậy, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm luôn là vấn đề "nóng" vào mỗi dịp cận Tết.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp cuối năm và Tết nguyên đán, nhiều biện pháp quyết liệt đã được các cơ quan chức năng triển khai, thực hiện.
Thực hiện nghiêm Kế hoạch 1993/KH-BCCĐTƯATTP của Ban Chỉ đạo liên ngành TƯ về an toàn thực phẩm, về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chỉ đạo tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản cũng như các sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp này. Đó là các cơ sở sản xuất thịt, giò chả, thủy sản, rau, quả...
Theo đó, kịp thời phát hiện, xử lý, áp dụng đầy đủ các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và công bố công khai thông tin về các cơ sở vi phạm.
- Chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ đầy đủ các quy định đảm bảo vệ sinh, ATTP.
- Hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng ATTP..., đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá, địa chỉ bán sản phẩm chất lượng, an toàn để người tiêu dùng biết, lựa chọn...
Hà Nội là một trong những địa bàn tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất cả nước. Vì vậy, các ngành chức năng của thành phố cũng có kế hoạch tăng cường giải pháp giám sát, kiểm soát từ vật tư đầu vào, đến các khâu sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể, thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm từ vật tư đầu vào (vật tư nông nghiệp) đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ trên thị trường. Trong đó, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân như rau, thịt, cá... Cùng với đó là tăng cường giám sát nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Ngành Nông nghiệp Thủ đô phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra nguồn gốc nông sản, thực phẩm được sản xuất, sơ chế, chế biến tại các cơ sở trên địa bàn. Khâu hậu kiểm cũng được chú trọng để kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định. Thời gian cao điểm kéo dài đến hết 25/3/2021.
Không chỉ ở phía cơ quan chức năng, các nhà sản xuất cũng cần nâng cao trách nhiệm đối với cộng đồng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ở góc độ người tiêu dùng, khi mua sắm, cần tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn sản phẩm đảm bảo chất lượng, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho mình và những người xung quanh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn