Bố chồng chị từng là kỹ sư nuôi ong của Công ty ong Phú Thọ, gia đình có lúc nuôi đến 300 đàn. Thời điểm ấy, chị đã nhận thấy chăn nuôi nhỏ lẻ không phát triển được, bởi mật ong của gia đình sau khi thu hoạch, mang đóng chai bán cho các hiệu thuốc nhưng chỉ được thời gian ngắn. Các hiệu thuốc lại cần có hóa đơn. Vì vậy, chị đã bàn với gia đình phải thành lập công ty, xây dựng thương hiệu ổn định. Thế rồi năm 2002, Công ty cổ phần Ong Tam Đảo (Honeco) ra đời.
Tuy nhiên, nhiều năm liền, công ty khó phát triển, hoạt động cầm chừng. Chị tìm mọi cách, từ thay đổi mẫu mã sản phẩm, tìm hiểu các sản phẩm mật ong khác, kể cả những thương hiệu của nước ngoài. Chị Nga đã sang Nhật Bản, tìm đến một công ty chế biến sản phẩm mật ong và bày tỏ mong muốn họ hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất nhưng do chi phí quá cao, công ty của chị không thể đáp ứng được. Rồi chị tìm đến các Cục, viện khoa học-công nghệ trong nước với mong muốn có được sự hỗ trợ.
Mạnh dạn thay đổi công nghệ
Luôn trăn trở tìm hướng đi mới để tạo nên khác biệt cho từng sản phẩm, Tổng giám đốc Lê Thị Nga cho biết, chị đã nhiều lần trực tiếp đến gặp các cơ quan chức năng để đề nghị và trình đề án với mong muốn đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm Ong Tam Đảo. Đến cuối năm 2017, Ong Tam Đảo - Honeco đã ký hợp đồng thực hiện dự án "Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất các sản phẩm mới từ mật ong và hoa quả" với Bộ Khoa học - Công nghệ, thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 và nhận chuyển giao công nghệ chế biến sản phẩm mới từ mật ong và hoa quả của Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công Thương). Đây là bước phát triển đột phá và đi đầu trong công nghệ chế biến từ mật ong của Ong Tam Đảo - Honeco đồng hành cùng các nhà khoa học để cho ra đời các dòng sản phẩm chế biến từ mật ong và hoa quả tự nhiên, nói không với chất bảo quản và hương liệu.
Từ dự án này, Công ty được hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ, một thiết bị máy cô đặc chân không và sản xuất ra các dòng sản phẩm từ mật ong như mứt nhuyễn kết hợp mật ong với chanh leo, mật ong với dâu, mật ong - dứa... cùng nhiều loại nước uống sản xuất từ mật ong. Chị Lê Thị Nga cho biết: Nhờ đổi mới công nghệ để sản xuất, chế biến, chị đã thay đổi tư duy, tạo hướng đi mới cho công ty. Làm chủ được công nghệ, chị Nga tự nghiên cứu ra nhiều dòng sản phẩm hữu ích.
Tiêu biểu là Tacumin, sản phẩm cung cấp giải pháp mới trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh về dạ dày, tá tràng. Để sản xuất ra sản phẩm này cần các yêu cầu khắt khe về nhiệt độ, sự đồng nhất... để giữ được chất lượng sản phẩm. Đội sản xuất thiết bị cùng chị đưa ra các phương án, thử đi thử lại. Gần 1 năm sau, khi sản phẩm mới hoàn thiện, chị Nga vỡ òa trong cảm xúc, bởi sản phẩm ra đồng đều, mịn mượt, khi kiểm tra, đánh giá, chất lượng sản phẩm còn tăng lên. Tháng 8/2018, sản phẩm được công bố và đến giữa năm 2019, Tacumin được lưu hành ngoài thị trường.
Sản phẩm được ghi nhận với nhiều giải thưởng: Giải nhì Hội thi sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ 7; Giải khuyến khích hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15; Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019. Đồng thời, sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho công ty: Năm 2018, doanh thu sản phẩm đạt trên 151,7 triệu đồng; năm 2019, đạt hơn 654 triệu đồng; dự kiến năm 2020 là 5 tỷ đồng.
Mỹ nhân hoàng cung là sản phẩm thứ 2 được chị Nga nghiên cứu trên nền thiết bị máy móc được hỗ trợ đầu tư. Đây là sản phẩm làm đẹp, được ra mắt thị trường đầu năm 2019. Chị Nga khẳng định, từ khi đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, doanh thu của công ty tăng trưởng đều, tốc độ tăng trưởng 10%-15%/năm. Hiện tại doanh nghiệp giải quyết việc làm cho hơn 40 lao động trực tiếp với thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng.
Chị cùng cán bộ, công nhân trong công ty đang nỗ lực xây dựng hình ảnh bằng cách đăng tải trên website, youtube; làm chứng nhận để đưa sản phẩm vào các nước Trung Đông; hướng tới các chứng nhận truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để đưa sản phẩm ra thị trường thế giới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn