Theo số liệu của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), tính đến tháng 6/2015, tại Việt Nam đã có 45 triệu người dùng Internet, chiếm 48% dân số, trong đó, số trẻ em sử dụng thành thạo các thiết bị số (smatphone, tablet…) để tham gia lướt web, chơi game online đang trở thành khá phổ biến. Còn theo báo cáo mới nhất của Google, hiện trung bình người Việt đang mở điện thoại 150 lần/ngày.
Những con số này được cho là "đánh dấu một giai đoạn phát triển đặc biệt" ở Việt Nam - giai đoạn của các thiết bị di động kĩ thuật số, của Internet với cha mẹ và con cái đều thuộc thế hệ "thổ dân công nghệ" (digital natives). Giờ đây, chỉ bằng một cú click chuột, một thao tác vuốt nhẹ màn hình là mọi người đã có thể dễ dàng trò chuyện với nhau, bất kể khoảng cách địa lý nửa vòng trái đất...
Tuy nhiên, thực trạng này cũng đang khiến cho không gian giao tiếp thân mật trong các gia đình hiện đại giảm đi đáng báo động. Không khó khăn để bắt gặp những cuộc gặp gỡ mà mỗi người cắm cúi vào một chiếc màn hình điện thoại thông minh, máy tính bảng hay những đứa trẻ thạo dùng điện thoại hơn giao tiếp trực tiếp. Con người đang ngày ngày ở cạnh nhau mà dường như không thực sự kết nối. Với các thành viên trong gia đình, việc dành nhiều thời gian riêng cho công nghệ, lạm dụng, nghiện game online... cũng đồng nghĩa thời gian, không gian dành cho các thành viên còn lại sẽ ít đi và làm tăng các mâu thuẫn không đáng có. Công nghệ cũng đã khiến những cuộc đối thoại giữa các thành viên trong gia đình, các thế hệ dần biến mất, con người ít lắng nghe nhau hơn.
ThS. Bùi Trà My: “Phụ thuộc vào công nghệ số, chúng ta sẽ quên dần cách giao tiếp trực tiếp với nhau”. |
Chia sẻ trong hội thảo “Sống sao cùng con trong thời đại số” mới đây tổ chức tại Hà Nội, ThS. Bùi Trà My, giáo viên Truyền thông & Văn hoá trường PTLC Olympia cho biết, trẻ em hay người lớn nghiện sử dụng thiết bị chủ yếu bởi hai cảm giác chính: buồn chán và cô đơn. Khi không có ai để chuyện trò thì chiếc điện thoại hay máy tính nối mạng lại chính là kho giải trí vô tận lấp đầy thời gian, không gian của một người. Nếu cứ phụ thuộc như vậy, chúng ta sẽ quên dần cách giao tiếp trực tiếp với nhau, đặc biệt là những đứa trẻ sinh ra trong thế giới toàn các thiết bị điện tử.
Theo một cuộc khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội với trên 370.000 học sinh, sinh viên thuộc 1.000 trường, đa phần học sinh, sinh viên tại Hà Nội đến các quán Internet để chơi trò chơi 1 đến 3 lần/tuần trong 1-3 giờ mỗi lần. Trẻ em khi tham gia mạng Internet và nghiện chơi game online dễ dẫn đến nhiều hậu quả tai hại: nói dối để xin tiền bố mẹ, ăn trộm tiền của gia đình, bạn bè; có nguy cơ bị bóc lột thông qua văn hóa phẩm khiêu dâm và mua bán trẻ em. Trẻ em cũng bị xúc phạm danh dự, lừa đảo trực tuyến thông qua nguy cơ chia sẻ thông tin cá nhân và quyền riêng tư hoặc bị người xấu lừa gạt, dụ dỗ mắc vào những con đường tiêu cực… Khoảng 14% trẻ em dùng công nghệ số ở thành thị và 20% ở nông thôn cho biết đã từng bị bạo lực trên các trang chơi game, qua tin nhắn hoặc gọi điện, hoặc qua tán gẫu… |