Công nghệ tử cung nhân tạo giúp phụ nữ sinh con mà không cần mang thai

21:29 | 25/03/2021;
Sinh con nhưng không cần mang thai là điều nghe có vẻ xa vời, nhưng các nhà khoa học Israel đã tạo ra một bước đột phá mới giúp nhân loại tiến gần hơn đến công nghệ này.

Tương lai phụ nữ không cần mang thai vẫn có thể sinh con

Vào tuần trước, nhóm các nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học Weizmann (Israel) đã công bố kết quả nghiên cứu thành công công nghệ thụ tinh bằng tử cung nhân tạo ở chuột trên tạp chí Nature. Các nhà khoa học đã thụ tinh và nuôi dưỡng thành công hàng trăm con chuột thông qua tử cung nhân tạo. Công nghệ này giúp đưa nhân loại tiến gần hơn đến một tương lai mà phụ nữ không cần mang thai vẫn có thể sinh con.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố, các nhà khoa học đã đặt những quả trứng vừa được thụ tinh vào một lồng ấp thông gió và nuôi cấy phôi trong 11 ngày, bằng với khoảng thời gian ở giai đoạn giữa quá trình mang thai ở chuột. Các phôi thai đã phát triển bình thường, có thể quan sát tim của chúng từ bên ngoài thông qua lớp thủy tinh. Nhịp tim của các phôi thai này cũng ở mức bình thường với tốc độ 170 nhịp mỗi phút.

Dù những bào thai chuột được thụ tinh thông qua tử cung nhân tạo chỉ lớn bằng hạt hướng dương, nhưng lại mở ra một kỉ nguyên mới về công nghệ. Đây được xem là một bước đột phá đưa nhân loại tiến gần hơn một bước tới việc sinh sản mà không mang thai.

Nền tảng để nghiên cứu được phát triển

Sự mất cân bằng trong quá trình mang thai và sinh con là phân chia lao động giữa hai giới khó giải quyết nhất từ trước đến nay. Trong khi nam giới chỉ cần "đóng góp" một tế bào duy nhất để thụ thai, phụ nữ phải mang thai trong suốt "9 tháng 10 ngày", mạo hiểm vấn đề sức khỏe để sinh con và đôi khi phải đánh đổi hi sinh cả sự nghiệp để nuôi dạy con.

Công nghệ về tử cung nhân tạo vừa có thể giải quyết được vấn đề bất bình đẳng vai trò trong quá trình sinh con, vừa đưa công nghệ của nhân loại lên một tầm cao mới. Với tử cung nhân tạo, bất cứ ai muốn sinh con chỉ cần cung cấp tế bào tinh trùng và trứng. Sau đó, công nghệ sẽ giúp thụ tinh và nuôi dưỡng bào thai. Tuy nhiên, một khi công nghệ này được áp dụng, có thể gây ra áp lực đối với phụ nữ và con người phải đứng trước những lựa chọn mang tính đạo đức.

Đã từ lâu, ý tưởng về việc thụ tinh và nuôi dưỡng bào thai người bên ngoài cơ thể người mẹ đã được thúc đẩy để nghiên cứu. Năm 1992, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã thành công nuôi bào thai dê bên trong túi cao su.

Vào năm 2017, các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia (CHOP) tiết lộ rằng họ đã nuôi cấy bào thai cừu trong túi nhựa từ tương đương khoảng nửa tháng của một thai kỳ đến đủ tháng.

Năm 2019, các nhà nghiên cứu Hà Lan đã nhận được khoản tài trợ 2,9 triệu euro (2,6 triệu bảng Anh) từ EU để phát triển tử cung nhân tạo sử dụng các bản sao của trẻ sơ sinh người được gắn cảm biến trước khi được triển khai tại các bệnh viện.

Công nghệ tử cung nhân tạo giúp sinh con mà không phải mang thai - Ảnh 1.

Tử cung nhân tạo giúp giải quyết nhiều vấn đề của quá trình mang thai và sinh con. Ảnh: The Guardian

Đột phá nhờ công nghệ tử cung nhân tạo

Tử cung nhân tạo mở ra một cánh cửa vốn khép kín của quá trình phát triển phôi thai, vì vậy có thể nghiên cứu những sai sót xảy ra trong thời gian thực. Công nghệ này cho phép quá trình mang thai tiếp tục diễn ra bên ngoài cơ thể, để những đứa trẻ sinh ra quá sớm không còn phải đối mặt với nguy cơ cao bị khuyết tật và bệnh mãn tính do sinh non.

Ngoài ra, tử cung nhân tạo còn giúp cứu những em bé được mang thai và sinh ra bởi những bà mẹ có thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc, sử dụng ma túy hoặc tham gia vào các hoạt động có hại cho thai kì.

Hơn nữa, đây có lẽ sẽ là giải pháp cho những phụ nữ hiện đang giữ các vị trí quan trọng trong công việc, sẽ giảm được gánh nặng sinh con mà vẫn duy trì được vai trò trong phát triển sự nghiệp. Mang thai bằng tử cung nhân tạo cũng giúp kiểm soát được dân số và tránh những hậu quả xấu do bùng nổ dân số mang đến.

Khó khăn về mặt đạo đức

Tử cung nhân tạo cũng có thể làm mất đi dần các quyền và tự do sinh sản của phụ nữ. Ở các quốc gia, nơi phá thai là hợp pháp, điều gì sẽ xảy ra nếu những đứa "bào thai không mong muốn" vẫn có thể được cứu sống nhờ công nghệ tử cung nhân tạo và sau đó được nuôi dưỡng để nhận làm con nuôi cho những cặp vợ chồng khác. Điều này sẽ tạo ra áp lực đối với phụ nữ khi đứng trước quyết định phá thai do những điều không mong muốn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn