Công phu chiếc nón lá của người Tày

09:38 | 12/11/2024;
Đan nón lá là nghề truyền thống của phụ nữ dân tộc Tày tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Những chiếc nón lá không chỉ là vật dụng giúp che mưa, che nắng mà còn mang lại thu nhập cho phụ nữ nơi đây.

"Người Tày quan niệm, chiếc nón là vật không thể thiếu trong cuộc sống, là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Khi người con gái về nhà chồng, chiếc nón lá chứa đựng kỷ niệm của cha mẹ để lại với mong muốn cô dâu là người con hiếu thảo, một lòng yêu thương chồng con", chị Lý Thị Chiên (dân tộc Tày), thạc sĩ Văn hóa, đã có hơn 15 năm gắn bó với Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, cho biết.

Chiếc nón được làm từ lá cọ bánh tẻ, không quá già mà cũng không quá non. Sau khi hái về, lá cọ được hơ qua lửa rồi đem phơi sương hai, ba đêm cho lá khô và phai hết màu xanh. Bằng cách xử lý như vậy, lá cọ trở nên trắng và dai hơn. 

Để làm được một chiếc nón, người phụ nữ Tày phải tập trung làm từ 3 đến 5 ngày. Các công đoạn tiếp theo như tạo khuôn, đan nón đều phải đúng tiêu chuẩn để chiếc nón làm ra thật đẹp. 

Công phu chiếc nón lá của người Tày- Ảnh 1.

Đan nón lá là nghề truyền thống của phụ nữ dân tộc Tày tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Mỗi chiếc nón gồm hai phần, phần ngoài được xếp theo hình chóp, từ 2 - 3 tàu lá cọ đã được phơi khô; phần bên trong là những sợi lạt tre nhỏ được đan thành các mắt hình lục giác đều. Sau đó, hai phần được ép chặt vào nhau bằng những vòng guột, hoặc tre màu sậm và buộc chặt bằng lạt giang.

Điểm đặc biệt của chiếc nón lá là kỹ thuật đan mắt cáo, kết hợp cùng những sợi chỉ ngũ sắc tạo nên những họa tiết trang trí đẹp mắt. Những chiếc nón dày dặn, mang bản sắc riêng đã mang lại thu nhập cho phụ nữ dân tộc Tày tại địa phương. 

Những chiếc nón lá của người Tày đã có mặt tại nhiều khu du lịch của tỉnh Thái Nguyên và những tỉnh lân cận, trở thành quà tặng và đồ trang trí được nhiều người yêu thích.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn