Tại cuộc họp, TS Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, đã tóm tắt hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu và quá trình sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để triển khai thực hiện các Nghị quyết hàng năm của Chính phủ về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; đồng thời cắt giảm tối đa các chi phí tuân thủ của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Cụ thể, liên quan đến danh mục hàng hóa thực phẩm phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu, từ năm 2021 đến nay, Bộ Y tế đã ban hành 2 Thông tư và cắt giảm trên 50% số dòng hàng phải kiểm tra nhà nước trước thông quan. Năm 2024, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15/2024/TT-BYT về việc ban hành danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm và dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm đã được xác định mã số hàng hóa theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, theo đó số dòng hàng phải kiểm tra nhà nước gồm 3 nhóm sản phẩm với 398 dòng hàng.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm biểu dương tất cả các cơ quan kiểm tra nhà nước được Bộ Y tế chỉ định, giao nhiệm vụ đã thực hiện 100% các thủ tục kiểm tra nhà nước trên Hệ thống 1 cửa Quốc gia, đảm bảo đúng thời gian quy định, có những đơn vị thời gian thực hiện thủ tục kiểm tra thông thường chỉ từ 1-3 giờ.
Kết thúc cuộc họp, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm đề nghị, các cơ quan kiểm tra nhà nước nghiêm túc thực hiện đúng và đầy đủ các quy trình kiểm tra thông thường và kiểm tra chặt theo quy định tại Thông tư số 15/2024/TT-BYT. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan kiểm tra nhà nước gửi ý kiến bằng văn bản về Cục An toàn thực phẩm để được hướng dẫn giải quyết theo quy định.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn